Các chính sách có độ mở nhưng cũng phải có giới hạn

Thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang) chiều nay, 31.5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các chính sách đặc thù áp dụng các Đà Nẵng, Nghệ An có độ mở nhưng cũng phải có giới hạn.

Trên cơ sở thí điểm, tổng kết thực tiễn mới đưa vào luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc thí điểm các cơ chế, chính sách là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở thí điểm, tổng kết thực tiễn các cơ chế, chính sách rồi mới đưa vào luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Đối với tỉnh Nghệ An, dự thảo Nghị quyết lần này là bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách để thí điểm; còn Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vẫn giữ nguyên vì đã thực hiện đến năm thứ 3, còn hơn 2 năm nữa để tiếp tục thực hiện. Như vậy, hai nghị quyết thí điểm của tỉnh Nghệ An tồn tại song song, các chính sách đi liền với nhau và thời hạn là 5 năm.

Đối với thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước đây đã có Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh thảo luận Tổ 10

Quang cảnh thảo luận Tổ 10

Trong đó đã nêu rõ 2 nội dung: một là, thí điểm mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng, tức là đô thị hai cấp, khác toàn bộ các tỉnh; hai là, một số cơ chế về kinh tế - xã hội. Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, thí điểm về chính quyền đô thị cho thấy kết quả tốt, sau tổng kết sẽ thực hiện luôn và sửa đổi, bổ sung cơ chế mới.

Như vậy sẽ có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 119/2020/QH14, bản chất hai nghị quyết của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An là khác nhau.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Nghị quyết của thành phố Đà Nẵng lần này sẽ áp dụng luôn mô hình chính quyền đô thị. Như vậy, bố trí bộ máy cũng sẽ khác, giảm rất nhiều cán bộ, quy trình phân cấp xử lý công việc rất khác và nếu thành công thì sau này sẽ áp dụng với các đô thị khác.

Các đại biểu dự phiên thảo luận tại Tổ 10

Các đại biểu dự phiên thảo luận tại Tổ 10

Với các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, "cũng mở rộng nhiều chính sách hơn". Trong đó, có những chính sách đã áp dụng với các tỉnh khác rồi, bây giờ giữ nguyên áp dụng với Đà Nẵng, một số chính sách được điều chỉnh để phù hợp với Đà Nẵng.

Trong số những chính sách mới có chính sách về thí điểm khu thương mại tự do và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây mới chỉ là thí điểm, sau này khi thực hiện phải có dự án, đề án cụ thể và trình cấp có thẩm quyền. Thời gian thí điểm dự thảo Nghị quyết là 5 năm nhưng chính sách nhà đầu tư được hưởng thì theo quyết định cụ thể, không phải là sau 5 năm hết áp dụng. Các chính sách có độ mở nhưng cũng phải có giới hạn.

Đánh giá kỹ tác động chính sách

Thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đề cập quy định về thu hút nhà đầu tư chiến lược tại Điều 12 dự thảo Nghị quyết và đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm hai điều kiện.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu

Thứ nhất, phải có cam kết bằng văn bản về hợp tác với doanh nghiệp của địa phương nhằm chuyển giao công nghệ, kiến thức, bồi dưỡng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, có cam kết đầu tư dài hạn và có kế hoạch phát triển bền vững tại Đà Nẵng, bao gồm cả việc các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào việc thành lập và phát triển các trung tâm nghiên cứu, tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học quan trọng của thành phố.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề nghị, Chính phủ làm rõ một số nội dung liên quan đến việc quản lý tài chính và ngân sách nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu

Theo điểm a, khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết, HĐND tỉnh quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, đây không phải là chính sách mới mà cũng đang được áp dụng trong một số nghị quyết đặc thù của một số tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Do đó, Chính phủ cần đánh giá sơ bộ các chính sách còn những khó khăn, vướng mắc nào để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, hợp lý hơn. Bên cạnh đó, chính sách này sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, do đó, phải đánh giá kỹ tác động khi ban hành chính sách.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/cac-chinh-sach-co-do-mo-nhung-cung-phai-co-gioi-han-i373602/