Các chính sách của Nhà nước về Biên phòng được quy định như thế nào?

Anh Lữ Đình Thi trú tại huyện Con Cuông hỏi: Hiện nay, các chính sách của Nhà nước về Biên phòng được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11/11/2020 là đạo luật đầu tiên dành một điều luật quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) trao đổi với lực lượng chức năng của nước bạn Lào đảm bảo an ninh biên giới. Ảnh: CSCC

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) trao đổi với lực lượng chức năng của nước bạn Lào đảm bảo an ninh biên giới. Ảnh: CSCC

Cụ thể tại Điều 3, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 quy định chính sách Nhà nước về Biên phòng gồm 7 nội dung sau:

1. Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân.

2. Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) khắc phục địa hình hiểm trở tuần tra biên giới; Trang thiết bị được lực lượng tuần tra của BĐBP Nghệ An sử dụng để định hướng đường đi tuần tra. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) khắc phục địa hình hiểm trở tuần tra biên giới; Trang thiết bị được lực lượng tuần tra của BĐBP Nghệ An sử dụng để định hướng đường đi tuần tra. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

4. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp, Nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

5. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.

6. Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

7. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế.

G.H

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cac-chinh-sach-cua-nha-nuoc-ve-bien-phong-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-10274737.html