Các chủ nợ phương Tây thúc ép Ukraine trả lãi
Một nhóm chủ nước ngoài hối thúc Ukraine tiếp tục trả lãi cho các khoản nợ vào năm 2025 sau thời gian gián đoạn.
Theo tờ Wall Street Journal, những bên cho vay của Ukraine trước đây cho biết Kiev có thể trì hoãn trả nợ cho họ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở nước này hơn hai năm trước. Nhưng giờ đây, sự kiên nhẫn của các chủ nợ đang bắt đầu cạn kiệt.
Nhóm chủ nước ngoài trong đó có các công ty đầu tư Mỹ BlackRock BLK và PIMCO có kế hoạch thúc ép Ukraine bắt đầu trả lãi cho khoản nợ của mình ngay trong năm tới.
Các tập đoàn này nắm giữ khoảng 1/5 trong số 20 tỷ USD trái phiếu châu Âu đang lưu hành của Ukraine, gần đây đã thành lập một ủy ban để giải quyết vấn đề thanh toán của Ukraine. Các luật sư của công ty luật Weil Gotshal & Manges (Mỹ) và các chủ ngân hàng của ngân hàng đầu tư PJT Partners sẽ thay mặt nhóm đàm phán.
Nhóm này muốn Kiev, nơi mới nhận được khoảng 60 tỷ USD viện trợ của Mỹ, đạt được một thỏa thuận trong đó họ sẽ tiếp tục thanh toán để đổi lấy việc xóa một phần lớn khoản nợ tồn đọng của Ukraine. Một số chủ nợ trong nhóm đã thảo luận kế hoạch với các quan chức cấp cao Ukraine.
Các chủ sở hữu trái phiếu hy vọng sẽ nhận được khoản thanh toán lãi hàng năm lên tới 500 triệu USD sau khi đồng ý giảm nợ. Họ nói rằng có thể sẵn sàng cung cấp hỗ trợ bổ sung (cho Ukraine sau này.
Người phát ngôn của nhóm cho biết họ “mong muốn được tham gia một cách xây dựng để hỗ trợ giải quyết khoản nợ có chủ quyền của Ukraine”. Khi các chủ nợ tư nhân của Ukraine đồng ý hoãn nợ hai năm vào năm 2022, nhiều trong số họ nghĩ rằng xung đột sẽ kết thúc vào lúc này.
Ukraine đang chuẩn bị đàm phán với các chủ nợ trong tháng này và các cố vấn của Tổng thống Ukraine đang nỗ lực thuyết phục Mỹ và các chính phủ khác cùng tham gia.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng tiền của người nộp thuế phương Tây sẽ rơi vào tay các chủ sở hữu trái phiếu nếu Ukraine nối lại bất kỳ loại dịch vụ nợ nào. Các nước đã đồng ý cho Ukraine tạm hoãn nợ đối với khoản vay trị giá khoảng 4 tỷ USD của chính họ cho đến năm 2027, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng các chủ sở hữu trái phiếu có thể được hoàn trả trước họ.
Nếu không có thỏa thuận, Ukraine có thể vỡ nợ vào tháng 8, làm mất danh tiếng của nước này với các nhà đầu tư và làm phức tạp khả năng vay thêm của Kiev.
Mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine đang kéo dài, những người cho vay vẫn lạc quan rằng tình hình tài chính của Ukraine đang ổn định. Nước này đã nhận được viện trợ cực kỳ cần thiết từ Mỹ và châu Âu, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục trong tháng 4, trong khi ngân hàng trung ương Ukraine đang xem xét hủy bỏ các biện pháp kiểm soát vốn trong năm nay.
Theo tờ Wall Street Journal, một số chủ nợ đã đề xuất sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để trả cho Ukraine một phần nợ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tê (IMF) và một số quốc gia G7 cho đến nay vẫn chưa đồng tình với ý tưởng đó nhưng đã chỉ ra rằng họ có thể hỗ trợ các khoản thanh toán lãi suất nhỏ hơn từ nay đến năm 2027 - với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường.