Các chung cư ở Nha Trang: Muôn nẻo bất cập - Kỳ cuối: Cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước

Kỳ cuối: Cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước

Mới đây, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa đã giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư và căn hộ cao cấp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2023. Sau khi khảo sát thực tế tại một số chung cư trên địa bàn TP. Nha Trang, đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư; đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm đưa các chung cư đi vào hoạt động đúng quy định pháp luật, đảm bảo đời sống cho người dân.

Chung cư HQC Nha Trang mới đi vào hoạt động từ năm 2020 nhưng đã xuống cấp và tồn tại nhiều bất cập.

Nên giám sát hoạt động của ban quản trị

Chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VCN cho rằng, thực tế cho thấy có rất nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư, nếu không giám sát sẽ gây thất thoát tiền của người dân. Hiện nay, dư luận quan tâm nhiều đến việc chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì, còn tình trạng ban quản trị chung cư sử dụng kinh phí đó như thế nào lại ít được quan tâm, giám sát. Ví dụ tại Chung cư CT6 Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung do Công ty Cổ phần Đầu tư VCN làm chủ đầu tư đã xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa người dân với ban quản trị, giữa ban quản trị cũ với ban quản trị mới liên quan đến kinh phí bảo trì. Kinh phí bảo trì tại chung cư này đã được công ty bàn giao cho ban quản trị, nhưng do không có cơ chế giám sát kỹ càng nên ban quản trị tự ý rút tiền, chuyển qua ngân hàng khác, tự thay thang máy không cần xin ý kiến cư dân. Thậm chí ban quản trị còn thành lập Công ty Quản lý vận hành CT6 để sử dụng tiền bảo trì chung cư sai quy định. Hiện nay, 4,1 tỷ đồng kinh phí bảo trì Chung cư CT6 đã bị ngân hàng phong tỏa.

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra thực tế một căn hộ bị xuống cấp rất nặng tại Chung cư HQC Nha Trang.

Công ty Cổ phần Đầu tư VCN đang phải ứng trước kinh phí để sửa thang máy, đồng thời hỗ trợ 30 triệu đồng/tháng để trả lương cho ban quản trị và các hoạt động khác của chung cư. Từ thực tế xảy ra tại Chung cư CT6 Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, ông Hưng cho rằng cần có quy định cụ thể để quản lý, giám sát hoạt động của ban quản trị chung cư, nhất là việc sử dụng kinh phí bảo trì. UBND cấp xã nên duy trì 6 tháng kiểm tra một lần xem hoạt động thu chi như thế nào, tiền còn bao nhiêu. Hiện nay, chỉ khi cư dân hỏi thì ban quản trị chung cư mới công khai thu, chi. Vì vậy, nội dung này cần phải được xây dựng cơ chế pháp lý chặt chẽ để chính quyền quản lý, xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Sớm cưỡng chế kinh phí bảo trì

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều chung cư đang vướng mắc hoặc tranh chấp về kinh phí bảo trì; nhiều chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích giữ lại không bán; một số chủ đầu tư sử dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác. Ngoài ra, hiện nay một số chung cư tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Tại Chung cư HQC Nha Trang, nhiều căn hộ bị thấm nặng, rêu mốc xanh trên các mảng tường; gạch nền hành lang gãy vỡ, nền nhà xe lồi lõm và bong tróc; hệ thống phòng cháy chữa cháy xuống cấp, bình chữa cháy hết hạn kiểm định, cửa chống cháy các lối thoát nạn bị mất nhiều tay nắm cửa… Tại Chung cư Napoleon Castle I, thang máy hư hỏng nặng, cần phải bảo trì gấp; chưa hoàn thiện một số hạng mục theo đúng bản thiết kế. Tại Chung cư Bình Phú 1, hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động từ năm 2015; hệ thống cấp nước bị xuống cấp ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân…

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo 2 giai đoạn. Cụ thể: Trước khi tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì chủ đầu tư có nhiệm vụ thu và quản lý kinh phí bảo trì này; sau khi thành lập ban quản trị nhà chung cư thì chủ đầu tư phải chuyển giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị để quản lý, sử dụng theo quy định. Qua khảo sát cho thấy, trong giai đoạn thu kinh phí bảo trì, nhiều chủ đầu tư không mở tài khoản tiền gửi riêng để quản lý nguồn quỹ này mà gộp chung với tài khoản của chủ đầu tư. Việc bàn giao hồ sơ giữa chủ đầu tư và ban quản trị tại một số nhà chung cư chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định.

Có thể khẳng định, thời gian qua, vai trò quản lý nhà nước của cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương cấp cơ sở một số địa phương chưa thực hiện tốt; các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư chưa được xử lý kịp thời. Một số công trình chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng; việc phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự không bảo đảm; tranh chấp về kinh phí bảo trì chậm được giải quyết... dẫn đến bức xúc trong dư luận. Việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi vi phạm tại các nhà chung cư và việc xử phạt còn chậm, tính răn đe chưa cao. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về nhà ở, xây dựng, quản lý chất lượng công trình; chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trong giai đoạn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và đưa các chung cư hoạt động đúng quy định pháp luật, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương nghiêm túc, tăng cường thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định thuộc thẩm quyền được giao trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư theo thẩm quyền. UBND tỉnh cần sớm nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc áp dụng thủ tục cưỡng chế liên quan đến tranh chấp kinh phí bảo trì đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc chậm bàn giao kinh trí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư; nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác xử lý vi phạm hành chính giữa UBND các cấp liên quan đến việc xử lý các vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đảm bảo việc kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Đối chiếu các quy định pháp luật thì UBND tỉnh là cơ quan thực hiện các thủ tục cưỡng chế kinh phí bảo trì trên cơ sở văn bản đề nghị của ban quản trị nhà chung cư. Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, trong giải quyết tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì nhà chung cư, các cơ quan nhà nước ở tỉnh mới dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính tại một số chung cư; chưa thực hiện thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Một số chung cư đã ban hành quyết định xử phạt nhưng chủ đầu tư khó khăn về tài chính nên đến nay vẫn chưa hoàn thành được việc thu phạt.

VĂN KỲ

Kỳ 1: Chất lượng xây dựng có vấn đề

Kỳ 2: Chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202403/cac-chung-cu-o-nha-trangmuon-neo-bat-cap-ky-cuoi-can-nang-cao-vai-tro-quan-ly-nha-nuoc-56f4f16/