Các chương trình mục tiêu quốc gia: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như giải ngân.
Do đó, tỉnh đang đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét tháo gỡ những vướng mắc này để bảo đảm hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG.
Ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hiện chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể của cơ quan cấp trên về việc xác định hộ có thu nhập thấp. Điều này gây khó khăn trong việc xác định đối tượng tham gia dự án giảm nghèo.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thực hiện theo Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 12-5-2017 của UBND tỉnh chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Việc thực hiện dự án 2 và tiểu dự án 1 của Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng”, theo điểm 5 khoản 13 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP là “Hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng kinh phí thực hiện 1 dự án trên địa bàn khó khăn; không quá 60% tổng chi phí thực hiện 1 dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình MTQG”.
Như vậy, đối với các địa phương thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thì vốn đối ứng của người dân ở địa bàn khó khăn là 20% và vùng không phải khó khăn là 40%. Việc huy động vốn đối ứng của người dân theo mức này rất khó khăn.
“Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện cũng đang gặp khó trong việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình như khu thể dục thể thao, văn hóa, bảo vệ môi trường...
Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 quy định một số tiêu chí, chỉ tiêu khó áp dụng và không phù hợp với khu vực Tây Nguyên như chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn với hơn 10% từ hệ thống cấp nước tập trung hay chỉ tiêu 17.10 về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng...”-ông Luynh cho hay.
Các nội dung thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng có khá nhiều vướng mắc về cơ chế thực hiện. Theo Ban Dân tộc tỉnh, tại Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, phần lớn các hộ gia đình thực hiện trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ chưa có đủ năng lực, trình độ để tự xây dựng thiết kế, dự toán theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT.
Trường hợp thuê đơn vị tư vấn có năng lực về lĩnh vực lâm nghiệp để xây dựng thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất thì chi phí thiết kế, dự toán lớn vì đa phần các hộ thực hiện trồng rừng sản xuất trên phần diện tích manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung. Do vậy, các hộ gia đình không có chi phí để chi trả cho việc xây dựng thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất theo đúng quy định.
“Nội dung 3-Tiểu dự án 2 của Dự án 3 quy định, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm, các phiên chợ văn hóa, hội chợ, các lễ hội phải gắn thương mại với du lịch, đảm bảo về quy mô, chất lượng, số lượng chủng loại hàng hóa và thu hút được khách tham quan. Điều này chưa phù hợp khi phạm vi tổ chức trên địa bàn các xã, thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, đối tượng được hỗ trợ, thụ hưởng là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, điều này chưa đáp ứng được nhu cầu và quyền lợi của các doanh nghiệp, hợp tác xã ở khu vực I, II.
Đồng thời, các đối tượng được quy định chưa phù hợp với các chương trình xúc tiến thương mại vì trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, đa số là lao động phổ thông, không sản xuất, không kinh doanh, chỉ làm thuê, nếu đúng tiêu chí thì số lượng rất hạn chế, không đảm bảo tổ chức chương trình”-ông Huỳnh Kim Đồng-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-thông tin.
Những vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như giải ngân các chương trình MTQG triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển các chương trình MTQG năm 2022 và năm 2023 đã giao cho các chủ đầu tư là 1.630,5 tỷ đồng; tính đến ngày 23-5 đã giải ngân 1.356,6 tỷ đồng, đạt 83,2% kế hoạch.
Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp đã giao là 1.159,8 tỷ đồng, đến nay giải ngân được 464,6 tỷ đồng, đạt 40,06% kế hoạch. Đối với năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giao là 986,5 tỷ đồng, đã giải ngân 92,9 tỷ đồng, đạt 9,42% kế hoạch; tổng kế hoạch vốn sự nghiệp được giao là 463,3 tỷ đồng, đã giải ngân 1,69 tỷ đồng, đạt 0,36% kế hoạch.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG, ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Tỉnh có một số đề nghị đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT như sớm ban hành văn bản cho ý kiến về dự án xây dựng trung tâm thu mua-cung ứng nông sản an toàn cấp huyện để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn đúng quy định.
Trường hợp không thể sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án này, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến bằng văn bản để tỉnh có cơ sở điều chỉnh sang dự án khác thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Về thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, cần quy định rõ mức hỗ trợ chi phí xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tham gia đào tạo nghề trong các chương trình MTQG; bổ sung trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng các chương trình MTQG.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng “doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc khu vực I, II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” vào đối tượng thụ hưởng nội dung 3-Tiểu dự án 2-Dự án 3 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm xây dựng phần mềm kiểm tra, giám sát, đánh giá để thực hiện Tiểu dự án 3-Dự án 10 của chương trình này.