Các chương trình tín dụng lớn đạt nhiều kết quả tích cực
Tại buổi họp báo 'Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025', đại diện NHNN đã thông tin về tình hình các chương trình tín dụng lớn đang triển khai hiện nay.
Tích cực triển khai cho vay nông, lâm, thủy sản
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Nội dung là khách hàng có đề án, phương án phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông lâm thủy sản vay vốn tại các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình với lãi suất cho vay từ đầu năm thấp hơn tối thiểu từ 1-2% so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Cũng theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trong quá trình thực hiện từ năm 2023 đến nay, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông lâm, thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của khách hàng và khả năng mở rộng của các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực này, NHNN đã 2 lần tăng quy mô chương trình từ 15.000 tỷ lên 30.000 tỷ, sau đó là 60.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN tại buổi họp báo
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nâng quy mô chương trình tín dụng lên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi thực hiện.
Kết quả triển khai đến cuối tháng 5/2025, đã có 17 ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay với doanh số lũy kế đạt 93.500 tỷ đồng cho gần 23.800 lượt khách hàng vay vốn, đạt 94% mục tiêu triển khai chương trình. Như vậy, kết quả này đã chứng minh chương trình triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất khẩu.
Cam kết cấp 8.200 tỷ đồng tín dụng nhà ở xã hội
Về Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, NHNN xác định chương trình này vô cùng quan trọng. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Xuân Bắc, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương và có sự chỉ đạo các ngân hàng thương mại quyết liệt triển khai.
Cụ thể, NHNN đã lập đường dây nóng, làm việc với từng chủ đầu tư, rà soát từng dự án để đánh giá khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn vay nhằm đẩy mạnh triển khai chương trình.
Đến nay chương trình đã đạt được một số kết quả ban đầu. Về quy mô đã ghi nhận 9 ngân hàng tham gia chương trình với số vốn đăng ký là 145.000 tỷ đồng và được triển khai đến năm 2030. NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều phương án như tiếp tục tiết giản chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Kể từ khi triển khai chương trình đến nay, NHNN đã 6 lần thông báo giảm lãi suất cho vay từ mức 8,7%/năm với các chủ đầu tư và 8,2% với người mua nhà, xuống còn tương ứng 6,4%/năm với chủ đầu tư và 5,9%/năm với người mua nhà.

NHNN đẩy mạnh triển khai cho vay liên quan đến nhà ở xã hội
Về doanh số giải ngân, tính đến nay có 38/63 UBND tỉnh (trước khi sáp nhập) gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục các dự án tham gia chương trình với tổng số khoảng 103 dự án trên toàn quốc. Đến cuối tháng 5/2025, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng 8.200 tỷ đồng cho các dự án, doanh số cho vay đã đạt 4.094 tỷ đồng.
"Bước đầu, chương trình cho vay nhà ở xã hội còn gặp 1 số khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, NHNN và sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại thì doanh số giải ngân đã có sự cải thiện, tháng sau cao hơn tháng trước", ông Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh.
Ông Bắc cũng cho biết trong quá trình triển khai, NHNN nhận thấy khó khăn vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai Chương trình là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn chưa có danh mục công bố. Bên cạnh đó, NHNN cũng ghi nhận 28/103 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn.
Do vậy, trước những khó khăn vướng mắc về thiếu hụt nguồn cung, NHNN đã có văn bản báo cáo Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan liên quan, UBND các tỉnh thực hiện giải pháp cho vấn đề này. Cũng theo đại diện NHNN, về vấn đề thu hút nguồn cung nhà ở xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 192/2025/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 201/2025/QH15 thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng về chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng, xác định giá bán, giá vay mua, điều kiện hưởng chính sách về nhà ở xã hội đều đã được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tiếp cận.
Nghị quyết 201/2025/QH15 của Quốc hội cũng có chủ trương thành lập quỹ nhà ở quốc gia để tạo nguồn cung, đồng thời Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy các địa phương triển khai dự án, tăng nguồn cung.
Có thể thấy nhà ở xã hội đã và đang được sự quan tâm rất lớn của các cấp có thẩm quyền, về phía NHNN sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, tích cực triển khai chương trình cho vay theo Nghị quyết 33, đặc biệt là dành cho đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi có thể tiếp cận vay mua nhà ở xã hội theo chỉ đạo…