Khắc phục vướng mắc khi thực hiện chính quyền 2 cấp ở Đồng Nai và Tây Ninh

Sau 1 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ, công chức tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh còn gặp vướng khâu kỹ thuật, tuy nhiên đã nỗ lực khắc phục lúng túng ban đầu.

Cùng với các địa phương khác, tính đến ngày 8/7, tròn một tuần chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh đi vào hoạt động. Mặc dù còn một số vướng mắc từ phía các cơ quan chức năng, tuy nhiên các cán bộ đã nỗ lực khắc phục để thực hiện công việc một cách thông suốt.

Khắc phục lúng túng ban đầu

Phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai có dân số gần 200.000 dân, được xem là một trong những “siêu phường” của cả nước, do đó khối lượng công việc phải xử lý rất lớn.

Người dân phường Trấn Biên đến làm thủ tục hành chính (Ảnh: Duy Phương)

Người dân phường Trấn Biên đến làm thủ tục hành chính (Ảnh: Duy Phương)

Những ngày qua, tại Trung tâm Hành chính công phường Trấn Biên, các cán bộ, công chức đều “chạy hết công suất” để phục vụ người dân.

Bước đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ và lúng túng, song với tinh thần nỗ lực cao nhất, các thủ tục hành chính của người dân đều được giải quyết thông suốt.

Ông Nguyễn Việt Hà, công chức lĩnh vực xây dựng – hạ tầng của phường Trấn Biên cho biết, tuần đầu làm việc trong mô hình mới, các cán bộ, viên chức đều khắc phục được sự bỡ ngỡ, thực hiện công việc bằng sự niềm nở, chu đáo với người dân.

"Thực hiện chính quyền 2 cấp, những ngày qua, đối với việc phục vụ nhân dân thì chúng tôi hướng dẫn hết mình với thái độ nhiệt tình, thân thiện, đúng quy định và pháp luật", ông Hà chia sẻ.

Cán bộ, viên chức phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai khắc phục khó khăn để phục vụ tốt nhất (Ảnh: Duy Phương)

Cán bộ, viên chức phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai khắc phục khó khăn để phục vụ tốt nhất (Ảnh: Duy Phương)

Ông Lâm Tấn Khải - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Trấn Biên cho biết: Địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiệp vụ công tác của cán bộ, viên chức, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người dân.

Phường cũng chú trọng lắng nghe các phản ánh, kiến nghị để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, nhằm tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân.

"Với một phường trọng điểm của tỉnh, chúng tôi xác định trách nhiệm với mục tiêu tạo điều kiện cho người dân có sự hài lòng nhất khi đến với chính quyền mới của phường", ông Khải cho biết.

Tiếp dân còn vướng khâu kỹ thuật

Tại xã Phước Vĩnh Tây, tỉnh Tây Ninh (thuộc tỉnh Long An cũ), lượng người đến làm thủ tục sáng 8/7 khá đông. Một số sự cố thiết bị, kết nối được xử lý kịp thời.

Nhiều máy móc thiết bị hiện đại nên việc tiếp cận của cán bộ người dân còn bỡ ngỡ tại xã Phước Vĩnh Tây, tỉnh Tây Ninh (thuộc tỉnh Long An cũ) (Ảnh: Nguyễn Quang)

Nhiều máy móc thiết bị hiện đại nên việc tiếp cận của cán bộ người dân còn bỡ ngỡ tại xã Phước Vĩnh Tây, tỉnh Tây Ninh (thuộc tỉnh Long An cũ) (Ảnh: Nguyễn Quang)

Theo ông Võ Phú Quốc – Phó Chủ tịch UBND xã, người dân chủ yếu làm thủ tục việc làm, hôn nhân, đất đai; các thủ tục chuyên ngành chưa phát sinh nhiều.

Xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Khi gặp trục trặc kỹ thuật thì có đoàn viên thanh niên hỗ trợ lập hồ sơ giấy, chuyển cho cán bộ xử lý.

Người dân đến thực hiện thủ tục gặp sự cố đột xuất về kỹ thuật sẽ được nhân viên và đoàn thanh niên hỗ trợ kê khai trực tiếp hồ sơ giấy (Ảnh: Nguyễn Quang)

Người dân đến thực hiện thủ tục gặp sự cố đột xuất về kỹ thuật sẽ được nhân viên và đoàn thanh niên hỗ trợ kê khai trực tiếp hồ sơ giấy (Ảnh: Nguyễn Quang)

Dù vậy, địa phương còn gặp vướng mắc như trụ sở sau sáp nhập chật hẹp, phòng ban tách biệt, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, một số cán bộ dù đã tập huấn nhưng vẫn còn lúng túng khi sử dụng hệ thống, cần hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, nhiều lúc lúng túng khi xảy ra tình huống đột xuất.

"Một số phần việc như chữ ký số, phần mềm và đường truyền thỉnh thoảng còn xảy ra sự cố chập chờn. Do đó xã cũng kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ thông tin tiếp tục giải quyết đường truyền ổn định cho các địa phương, hỗ trợ cho cán bộ hành chính giải quyết công việc thông suốt cho bà con", ông Quốc cho biết thêm.

Rất đông người dân đến thực hiện thủ tục tại xã Cần Đước, tỉnh Tây Ninh (thuộc tỉnh Long An cũ) (Ảnh: Nguyễn Quang)

Rất đông người dân đến thực hiện thủ tục tại xã Cần Đước, tỉnh Tây Ninh (thuộc tỉnh Long An cũ) (Ảnh: Nguyễn Quang)

Xã Cần Đước, tỉnh Tây Ninh (thuộc tỉnh Long An cũ), trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 200 hồ sơ.

Theo ông Võ Chí Công – Phó Chủ tịch UBND xã, nơi đây còn hỗ trợ người dân từ các địa phương lân cận, kể cả trong và ngoài tỉnh, tạo thuận lợi trong giải quyết hồ sơ hành chính.

Để việc hỗ trợ người dân thuận lợi hơn, ông Võ Chí Công kiến nghị: "Hiện tỉnh cũng đã cập nhật đầy đủ các bộ phần mềm, tuy nhiên về đường truyền cần đảm bảo tốt hơn. Cũng kiến nghị sở ngành tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho các địa phương mới sau sát nhập về các bộ thủ tục cho chuyên viên cập nhật trên phần mềm cũng như nâng cấp tốc độ đường truyền để phục vụ người dân tốt hơn".

Nhìn chung, chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt là ở cấp xã, đang dần vận hành nhịp nhàng, ổn định. Cán bộ địa phương nỗ lực, nhiệt tình cùng người dân giải quyết các thủ tục hành chính công nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Duy Phương-Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/khac-phuc-vuong-mac-khi-thuc-hien-chinh-quyen-2-cap-o-dong-nai-va-tay-ninh-post1213250.vov