Các chuyên gia: Cần chú trọng chăm sóc sức khỏe giai đoạn hậu COVID-19
Tuần trước, giới y khoa Ấn Độ bàng hoàng trước cái chết của một bác sĩ 41 tuổi đột ngột ngã quỵ khi đang chạy bộ tại sân vận động quốc tế Jawaharlal Nehru ở thành phố Kochi. Đây là một ví dụ điển hình mà các chuyên gia Ấn Độ đưa ra nhằm khuyến cáo các bệnh nhân COVID-19 sau khi bình phục cần chú trọng chăm sóc cơ thể và hạn chế các hoạt động quá sức.
Thực tế, hơn 200 triệu chứng được báo cáo như thở gấp, đau ngực, ngứa ran, phát ban, cực kỳ mệt mỏi, rối loạn chức năng nhận thức, rối loạn cơ tim và thần kinh… là những điều mà giới khoa học vẫn đi tìm lời giải về tình trạng hàng triệu người phải vật lộn với cái gọi là “di chứng kéo dài hậu COVID-19” (Long COVID). Thể trạng của mỗi người khác nhau, do đó, mức độ ảnh hưởng của những di chứng kéo dài đối với từng người khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ, bệnh nhân không nên chủ quan.
Tiến sĩ P S Shajahan, Giáo sư Y học phổi tại trường Cao đẳng Y tế chính phủ TD Alappuzha, và là Chủ tịch của Học viện Y học chăm sóc sức khỏe và phổi nêu rõ COVID-19 là một chứng viêm có thể ảnh hưởng đến các tế bào, mô và các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Ông cho biết xu hướng đông máu ở người mắc COVID-19 cũng cao. Ngay cả sau khi hồi phục, cơ thể sẽ tiếp tục ở trạng thái tương tự trong một thời gian và khi người bệnh sau bình phục gắng sức quá mức cũng sẽ tạo ra một điều kiện bất lợi cho cơ thể. Tiến sĩ khẳng định nguy cơ cao hơn đối với những người mắc COVID-19 nặng và những người có bệnh nền, trong khi người mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ cũng có thể gặp nhiều rắc rối khi không được miễn dịch.
Mặc dù tác động của việc nhiễm virus SARS-CoV-2 trong việc gây ra các bệnh khác đã được ghi nhận đầy đủ, nhưng nghiên cứu về ảnh hưởng của COVID kéo dài vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Tình trạng rối loạn nhịp tim đang là một trong những vấn đề được các bác sĩ lâm sàng chú ý. Một báo cáo nghiên cứu xuất hiện trên JAMA Cardiology (một tạp chí được bình duyệt) đã phát hiện ra những bất thường trong tim của 78% bệnh nhân được hồi phục sau COVID-19.
Bác sĩ Aneesh C Ratheendran, chuyên gia tư vấn can thiệp về tim mạch thuộc Viện Y Rennai cho biết do tình trạng viêm và đông máu được ghi nhận ở những trường hợp mắc COVID-19, điều này đã ảnh hưởng đến tim dưới hình thức như nhịp tim bất thường, đau tim và viêm cơ tim. Do đó, tập thể dục nặng trong thời gian ngay sau mắc COVID-19 sẽ làm trầm trọng thêm bất kỳ tổn thương tim tiềm ẩn nào. Bác sĩ khuyến cáo người mắc COVID-19 sau khi bình phục luôn bắt đầu lại các bài tập thường xuyên sau 2 hoặc 4 tuần phục hồi và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp người bệnh gặp bất cứ các triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực sau các bài tập hàng ngày.