Các chuyên gia Hàn Quốc 'hiến kế' phát triển điện ảnh Việt Nam

Tại Liên hoan Phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF III), các chuyên gia điện ảnh hàng đầu từ Hàn Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, nhấn mạnh các yếu tố quan trọng mà Việt Nam có thể áp dụng để phát triển ngành điện ảnh của mình.

Điện ảnh Hàn Quốc đã từ một nền công nghiệp nhỏ bé trở thành một trong những ngành giải trí phát triển mạnh mẽ nhất thế giới. Từ bộ phim đầu tiên tại Liên hoan Phim Quốc Tế Busan đến những tác phẩm gây tiếng vang toàn cầu, điện ảnh Hàn Quốc đã thực sự tạo nên một "làn sóng Hàn Quốc" trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều gì đã làm nên sự thành công này? Những yếu tố nào có thể giúp điện ảnh Việt Nam học hỏi và phát triển mạnh mẽ trong tương lai?

Tại Liên hoan Phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF III), các chuyên gia điện ảnh hàng đầu từ Hàn Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, nhấn mạnh các yếu tố quan trọng mà Việt Nam có thể áp dụng để phát triển ngành điện ảnh của mình. Những chia sẻ này không chỉ là những lời khuyên mà còn là những chiến lược thiết thực, giúp Việt Nam vượt qua thử thách và tận dụng cơ hội phát triển.

Chiến lược quốc gia và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ

Ông Kim Dong Ho, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch Liên hoan Phim quốc tế Busan, đã mở đầu bằng việc chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Ông khẳng định, điện ảnh Hàn Quốc thành công một phần nhờ có những chính sách rất chi tiết, từ cấp nhà nước đến từng bộ phận trong ngành. Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các cơ quan chuyên trách phát triển điện ảnh, điều này giúp ngành điện ảnh có một hướng đi rõ ràng và bền vững.

Ông Kim Dong Ho, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch Liên hoan Phim quốc tế Busan

Ông Kim Dong Ho, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch Liên hoan Phim quốc tế Busan

"Ban đầu, do nền điện ảnh Hàn Quốc quá cũ kỹ và lạc hậu, chính phủ đã quyết định thành lập KOFIC (Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc) – với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh quốc gia. Họ tuyển những người mới, có tư duy hiện đại về để xây dựng nền điện ảnh Hàn Quốc. KOFIC hỗ trợ rất nhiều mặt cho việc làm phim, đặc biệt là bỏ cơ chế kiểm duyệt phim. Việc này trong những năm 1990 đã hỗ trợ nhiều cho các hãng phim, người làm phim tư nhân", ông nói.

Bà Park Hee Seong, Tiến sĩ tại Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc chia sẻ: "KOFIC giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà làm phim và tập hợp tất cả những người có liên quan đến quá trình sản xuất phim lại với nhau. Ngoài việc là cơ quan trực tiếp hỗ trợ cho quá trình làm phim, chúng tôi còn đưa vai trò của những người trực tiếp làm phim trở thành yếu tố then chốt. Chúng tôi chỉ hỗ trợ, chứ không can thiệp vào nội dung hay quá trình sáng tạo. Chúng tôi không đặt ra những quy định cứng nhắc, không can thiệp sâu hay áp đặt những điều quá khó. Thay vào đó, chúng tôi dành thời gian để trao đổi với các nhà làm phim. Bởi vì khi làm phim, ai cũng hiểu rằng tiền là một yếu tố vô cùng quan trọng".

Bà Park Hee Seong cũng nhấn mạnh việc KOFIC đầu tư trực tiếp vào nhà làm phim, hỗ trợ ngân sách cho sản xuất. Đồng thời theo dõi doanh thu từ bán vé để thu hồi vốn và tổ chức các học viện đào tạo để nâng cao kỹ năng ngành phim.

Bà Park Hee Seong, Tiến sĩ tại Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc

Bà Park Hee Seong, Tiến sĩ tại Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cao cấp Công ty BHD và Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm này. Bà chia sẻ: "Ở Việt Nam, hiện nay Nhà nước đã có chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa – tức là chính sách lớn thì đã có rồi, nhưng điều cần thiết bây giờ là chính sách nhỏ – tức là những cơ chế cụ thể để triển khai. Chính sách lớn thì đang ‘nóng’, nhưng chính sách nhỏ vẫn còn ‘lạnh’". Câu nói này phản ánh sự cần thiết phải chuyển hóa các chính sách lớn thành những cơ chế cụ thể hơn, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp tư nhân và nhà làm phim Việt Nam.

Đầu tư vào con người – Yếu tố quyết định

Một trong những yếu tố quan trọng mà các chuyên gia Hàn Quốc nhấn mạnh chính là con người. Bà Ngô Thị Bích Hạnh cho biết: "Điện ảnh Hàn Quốc thành công vì có con người – những người đam mê và tài năng thật sự. Có hàng trăm người từng đi Mỹ học, và trong các bộ phim Hàn Quốc, có thể thấy rõ ảnh hưởng của văn hóa Mỹ. Nhưng điều quan trọng là: Họ vẫn đưa được văn hóa Hàn Quốc vào trong những bộ phim đó".

Điều này có thể thấy rõ trong từng bộ phim Hàn Quốc, khi các nhà làm phim không chỉ tiếp thu các yếu tố quốc tế mà còn giữ được bản sắc văn hóa riêng biệt của mình. "Ở Việt Nam, chúng ta có một nền văn hóa và lịch sử rất đa dạng, nhưng vẫn chưa đưa được hết những điều đó vào điện ảnh", bà Hạnh chia sẻ. Đây là một bài học quan trọng cho điện ảnh Việt Nam: tận dụng văn hóa, lịch sử phong phú của đất nước để xây dựng những câu chuyện đặc sắc, có chiều sâu.

Bà Kim Seonah, Giáo sư và Nhà sản xuất tại Đại học Dankook, Chủ tịch Hiệp hội các nhà làm phim nữ Hàn Quốc

Bà Kim Seonah, Giáo sư và Nhà sản xuất tại Đại học Dankook, Chủ tịch Hiệp hội các nhà làm phim nữ Hàn Quốc

Bà Kim Seonah, Giáo sư và Nhà sản xuất tại Đại học Dankook, Chủ tịch Hiệp hội các nhà làm phim nữ Hàn Quốc, cũng đồng tình rằng: "Hàn Quốc đã từng trải qua những giai đoạn lịch sử và những nỗi đau xã hội sâu sắc, và chính những điều đó đã trở thành nguyên liệu, tư liệu quý giá để điện ảnh Hàn Quốc kể những câu chuyện chạm đến lòng người, làm nên những bộ phim mà khán giả quốc tế biết đến và yêu mến. Tôi tin rằng Việt Nam cũng sẽ như vậy – với bề dày văn hóa, lịch sử và những trải nghiệm riêng – hoàn toàn có thể tạo ra những tác phẩm mạnh mẽ, và sẽ sớm gặt hái được những kết quả đáng kể trong thời gian tới".

Ông Kim Hong Joon, Giám đốc Viện Phim Hàn Quốc (KOFA), đã chia sẻ rằng: "Cá nhân tôi thực sự rất ghen tị với văn hóa và con người Việt Nam. Khi chúng tôi bắt đầu làm điện ảnh, chúng tôi cũng còn rất trẻ. Và các bạn – những người trẻ Việt Nam hôm nay – cũng trẻ, cũng tài năng, nhưng có thể vẫn chưa thật sự nhìn thấy hết khả năng của chính mình. Tôi chỉ muốn nói rằng: Hãy tin tưởng vào bản thân, giữ vững nhiệt huyết và tiếp tục bước đi trên con đường mà các bạn đã chọn.

Ông Kim Hong Joon, Giám đốc Viện Phim Hàn Quốc (KOFA)

Ông Kim Hong Joon, Giám đốc Viện Phim Hàn Quốc (KOFA)

Và như đã nói, để đi xa thì phải có sự hỗ trợ từ chính phủ, sự quan tâm từ xã hội, và cả chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh. Có những trường hợp đã từng phát triển rất mạnh, nhưng rồi chấm dứt chỉ trong một thời gian ngắn. Vì vậy, điều quan trọng không chỉ là phát triển, mà là phải biết làm sao để đi được đường dài, bền vững.

Tôi tin rằng, trong thời gian không xa, công nghiệp điện ảnh của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ trở thành hai nền điện ảnh mạnh – và là những đối thủ cạnh tranh tích cực với nhau trong khu vực".

Điều này cũng được ông Park Kwang Su, Chủ tịch Liên hoan Phim Quốc Tế Busan, nhấn mạnh: "Làn sóng mới trong điện ảnh Hàn Quốc không chỉ đến từ một cá nhân, mà là kết quả của một thế hệ. Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, chúng ta cần tập hợp những người có tài năng và sự nhiệt huyết. Khi những con người như vậy cùng hội tụ, cùng hợp sức, thì bằng một cách nào đó, họ sẽ tạo ra được những tác phẩm lớn, có sức lan tỏa và giá trị thực sự".

DANAFF mang kỳ vọng thành cầu nối đưa phim Việt ra thế giới

Để điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các chuyên gia điện ảnh Hàn Quốc cũng khuyến khích việc tăng cường hợp tác quốc tế. Ông Kim Dong Ho cho rằng: "Đà Nẵng là một nơi hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất phim: điều kiện tự nhiên tốt, khí hậu tốt. Đà Nẵng không chỉ có thể trở thành địa điểm lý tưởng cho các nhà làm phim Việt Nam, mà còn có tiềm năng thu hút các nhà làm phim quốc tế đến đây làm việc. Quan trọng là duy trì mối quan hệ với các đoàn làm phim quốc tế, cùng hợp tác, chia sẻ thiết bị, kỹ thuật và kinh nghiệm, để Đà Nẵng – trở thành một trung tâm điện ảnh khu vực, và nếu làm tốt, là một trung tâm điện ảnh của thế giới".

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ: "Thực ra, khi xây dựng một liên hoan phim như DANAFF, chúng tôi cũng từng nghĩ: nếu cứ cố gắng đưa phim Việt ra nước ngoài một cách nhỏ lẻ, thì đôi khi vẫn tốt, nhưng để tạo được dấu ấn thực sự với quốc tế, thì cần có một “dàn” phim – một “dàn” đạo diễn, đủ để gây ấn tượng tại các liên hoan phim lớn nhỏ khắp thế giới.

Với điện ảnh Việt Nam, điều đó vẫn còn khó khăn. Chỉ cần 1–2 bộ phim được mời đi dự liên hoan phim quốc tế, chúng tôi đã thấy đó là một niềm vui rất lớn. Nhưng nếu muốn đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới một cách bài bản, đồng thời mời phim quốc tế và chuyên gia hàng đầu đến với Việt Nam, thì môi trường của một liên hoan phim quốc tế vẫn là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Tất nhiên, việc tổ chức một LHP như vậy không hề dễ dàng. Nhưng DANAFF ra đời cũng mang theo kỳ vọng như vậy – trở thành cầu nối, nền tảng để phim Việt đi ra thế giới, và thế giới đến với phim Việt.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/cac-chuyen-gia-han-quoc-hien-ke-phat-trien-dien-anh-viet-nam-post1211411.vov