Các chuyên gia nói gì về lãi suất, tỉ giá trong năm Canh Tý?
Áp lực tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay, nhất là ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Tỉ giá được kỳ vọng ít có biến động nếu không có những cú sốc từ bên ngoài.
Lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục tăng
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất huy động đã giảm bớt áp lực tăng như năm 2019 nhưng mặt bằng lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao hơn so với cùng kỳ.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế 2020 vừa công bố, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong năm nay, yếu tố tạo áp lực lên lãi suất huy động liên quan đến thực trạng nội tại của hệ thống ngân hàng cùng với định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong yêu cầu nâng cao năng lực quản trị rủi ro, các chỉ tiêu an toàn và hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống.
Điều này đồng nghĩa áp lực về nguồn vốn đối với các ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể với các hiệu ứng như tăng mặt bằng lãi suất huy động, nâng cao quy mô vốn...
Ở chiều ngược lại, mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng có thể đạt được với những yếu tố hỗ trợ như nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất. Tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định với mức biến động hợp lý của VNĐ so với các quốc gia khác trong khu vực...
Đáng lưu ý, các chuyên gia phân tích cũng đánh giá Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng một số biện pháp mang tính hành chính trong trường hợp cần thiết để hạn chế áp lực cạnh tranh về huy động tiền gửi giữa các ngân hàng.
"Lãi suất huy động được dự báo chịu áp lực tăng nhưng mức tăng kỳ vọng không lớn tối đa khoảng 0,5%/năm, tập trung tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, lãi suất cho vay kỳ vọng sẽ không có nhiều biến động và duy trì tương đương như hiện tại" - đại diện VCBS dự báo.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Người Lao Động, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại nhà nước quy mô lớn, cho rằng đang có dư địa và cơ hội để giảm lãi suất, dù cơ quan quản lý phải thực hiện rất nhiều giải pháp điều hành đồng bộ.
Theo phân tích của vị lãnh đạo ngân hàng này, lạm phát năm 2019 ở mức 2,7%, lãi suất huy động bình quân ở nhiều ngân hàng hiện chỉ khoảng 4,5-4,7%/năm... Lãi suất phải phù hợp với các chỉ số kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, do đó với mức lạm phát thấp như hiện nay, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất.
"Việc một số ngân hàng thương mại gần đây đẩy lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên 8%-9%/năm mang tính chất kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định theo tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn. Nếu lãi suất huy động giảm cùng với việc ngân hàng quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, quản trị tốt chi phí hoạt động... sẽ có điều kiện hạ lãi vay" - vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng này nhận xét.
Tỉ giá biến động không quá 1%
Với tỉ giá USD/VNĐ, các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng tỉ giá được kỳ vọng sẽ biến động không quá 1% cho cả năm 2020.
Những ngày cận Tết Nguyên Đán 2020, giá USD ở các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục duy trì quanh mức thấp. Giá USD trong ngân hàng hiện ở mức 23.110 đồng/USD mua vào, 23.230 đồng/USD bán ra, không thay đổi trong nhiều ngày và gần như tương đương với thời điểm một năm trước.
Ngoại trừ giai đoạn chịu áp lực tăng giá mạnh vào tháng 5-2019 do tình hình cẳng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, còn lại thị trường ngoại tệ trong năm qua khá ổn định và có xu hướng đi ngang.
Thị trường ngoại hối và tỉ giá thời gian tới được kỳ vọng có nhữn diễn biến thuận lợi nhờ nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2019 đạt 20,4 tỉ USD; cán cân thương mại xuất siêu kỷ lục 9,9 tỉ USD...
Theo VCBS, kỳ vọng của nhà đầu tư đang dần cải thiện khi ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung lên tỉ giá đã phần nào giảm bớt khi cuộc "xung đột" này khó sớm kết thúc trong tương lai gần. Động thái nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là FED cũng là yếu tố tích lực giảm áp lực tỉ giá.
"Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục thể hiện chính sách linh hoạt và nhất quán nhằm hỗ trợ và ổn định tỉ giá trong 2020. Dù vậy, việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi quốc gia thao túng tiền tệ sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong điều hành, hạn chế mua USD dự trữ và cân nhắc bán USD khi cần nhằm bảo đảm tiêu chí điều hành mang tính 2 chiều. Tỉ giá trong năm nay có thể chịu áp lực quanh các sự kiện lớn trên thế giới, nhưng sẽ biến động không quá 1% cho cả năm" – các chuyên gia của VCBS dự báo.
TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng nhận định lãi suất, tỉ giá cơ bản sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay. Theo đó, lãi suất huy động có thể tăng cục bộ khi một số ngân hàng chịu áp lực tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II, Thông tư 22 về giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng với lạm phát kỳ vọng ở mức thấp dưới 4%, chủ trương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất cho vay cơ bản sẽ ổn định.
Riêng với tỉ giá, các chuyên gia của BIDV dự báo, tỉ giá sẽ ổn định nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc và cung cầu khá cân bằng... Tỉ giá USD/VNĐ có thể tăng nhẹ xoay quanh mức 1%-2%.