Các cơ quan liên bang ở Mỹ chật vật kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng

Giống như các công ty công nghệ, các cơ quan liên bang của chính phủ Mỹ cũng gặp khó khăn trong nỗ lực đưa nhân viên trở lại văn phòng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi nhân viên liên bang đến công sở thường xuyên hơn, nhưng tình hình chẳng khá hơn các công ty tư nhân.

Trụ sở của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) ở Washington, D.C. Cơ quan này đã trả bớt mặt bằng văn phòng khi hết thời hạn thuê. Ảnh: WSJ

Trụ sở của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) ở Washington, D.C. Cơ quan này đã trả bớt mặt bằng văn phòng khi hết thời hạn thuê. Ảnh: WSJ

Nhà Trắng đang gia tăng áp lực lên các cơ quan liên bang để cải thiện tỷ lệ nhân viên trở lại văn phòng. Hồi tháng 8, Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeff Zients gửi email tới các cơ quan chính phủ để hướng dẫn họ tích cực yêu cầu nhân viên làm việc trực tiếp tại văn phòng nhiều ngày hơn trong mỗi tuần. Nhưng các quan chức chính phủ thừa nhận mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

Hồi đầu năm nay, báo cáo đánh giá của Văn phòng giải trình trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) đối với 24 cơ quan liên bang, cho thấy, có 17 cơ quan chỉ sử dụng trung bình 25% hoặc ít hơn công suất ở các tòa nhà trụ sở chính của họ.

Báo cáo cho biết, các cơ quan liên bang chi khoảng 2 tỉ đô la mỗi năm để vận hành các tòa nhà văn phòng liên bang và 5 tỉ đô la mỗi năm để thuê không gian văn phòng thuộc sở hữu tư nhân.

John Fish, Chủ tịch của Hội nghị bàn tròn bất động sản, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết các khu vực khác của đất nước với lực lượng lao động liên bang lớn cũng đang gặp khó khăn trong việc đưa nhân viên trở lại văn phòng.

Chính sách yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng của chính phủ ngày càng trở thành một vấn đề cấp thiết đối với các chủ cao ốc, chủ cửa hàng bán lẻ cũng như các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào người đi làm để kiếm thu nhập.

Họ đã kêu gọi khu vực công bù đắp cho tình trạng tỷ lệ sử dụng văn phòng trên toàn quốc của khu vực tư nhận chỉ đạt khoảng 50% so với mức đại dịch vào đầu năm nay. Tỷ lệ sử dụng văn phòng thấp gây khó khăn cho các doanh nghiệp ở khu vực Washington, D.C., nơi có khoảng 270.000 nhân viên đang làm việc cho các cơ quan liên bang.

Các chủ cao ốc văn phòng và công ty môi giới cho biết, lượng nhân viên trở lại một số tòa nhà liên bang đã cải thiện đôi chút kể từ đầu tháng 9, nhưng vẫn chưa đạt được mức cần thiết để khôi phục sự nhộn nhịp ở các trung tâm thương mại của các thành phố. Nhiều nhân viên chính phủ không muốn quay lại văn phòng vì một số lý do tương tự như các nhân viên khu vực tư nhân. Họ muốn tránh mất thời gian cho các quãng đường đi làm xa, hoặc muốn tận hưởng sự thuận tiện khi làm việc ở nhà.

Chính sách trở lại văn phòng của các cơ quan liên bang có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử năm tới. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ đã đề xuất luật yêu cầu nhân viên liên bang làm việc tại văn phòng giống như trước đại dịch.

Một số cơ quan liên bang có tỷ lệ nhân viên trở lại văn phòng cao hơn những cơ quan khác. Chẳng hạn, Bộ Cựu chiến binh và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ đã đạt mục tiêu khi thực thi các yêu cầu có mặt tại nơi làm việc.

Theo Công ty dịch vụ bất động sản thương mại Cushman & Wakefield, tỷ lệ văn phòng trống ở Đặc khu Columbia, thủ đô của Mỹ, đạt mức cao kỷ lục 20,3% trong quí 3. Nathan Edwards, giám đốc nghiên cứu cấp cao của Cushman cho biết, nhiều cơ quan liên bang, bao gồm Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) như Văn phòng Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) đã trả mặt bằng văn phòng khi hợp đồng thuê hết hạn.

Khi yêu cầu người lao động trở lại văn phòng, chính quyền liên bang và một số thành phố đã vấp phải sự phản đối của các công đoàn, đang kêu gọi cho nhân viên làm việc tại nhà trong một số ngày mỗi tuần.

Các thành phố đã làm tốt hơn chính quyền liên bang trong nỗ lực đưa người lao động trở lại văn phòng, một phần vì các thị trưởng nhận ra tầm quan trọng của người đi làm đối với giá trị bất động sản và doanh thu thuế. Theo Scoop Technologies, hãng phần mềm đã phát triển một chỉ số giám sát các chiến lược tại nơi làm việc, trong tháng 10, có đến 71% cơ quan liên bang cung cấp mô hình làm việc hybrid (kết hợp làm tại văn phòng và làm từ xa) so với 59% của tất cả các cơ quan chính quyền trên cả nước.

Tuy nhiên, các thị trưởng gặp khó khăn hơn khi yêu cầu nhân viên thành phố phải có mặt ở văn phòng 5 ngày/tuần khi chính phủ liên bang cho phép lịch trình làm việc linh hoạt hơn nhiều.

Eric Adams, Thị trưởng thành phố New York, đã kêu gọi nhân viên của các cơ quan chính quyền quay trở lại khi ông nhậm chức vào năm 2022. Nhưng ông đã nhất trí kế hoạch làm việc hybrid trong cuộc đàm phán với một công đoàn lao động lớn nhất thành phố vào đầu năm nay.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-co-quan-lien-bang-o-my-chat-vat-keu-goi-nhan-vien-tro-lai-van-phong/