Các công trình 'tai tiếng' tại Gia Lai
Dù được đầu tư số tiền hàng trăm tỷ đồng với mục tiêu góp phần thay đổi diện mạo kinh tế địa phương trong tương lai gần, tuy nhiên đến nay, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa phát huy được hiệu quả như kì vọng. Đáng chú ý, nhiều dự án mới đầu tư đã hư hỏng, gây lãng phí nghiêm trọng…
Kè chống sạt lở chưa làm xong đã… lở
Ngày 31-10-2013, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định phê duyệt đầu tư Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú. Đến ngày 9-9-2014, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đầu tư xây dựng dự án với tổng mức đầu tư hơn 277 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án năm 2014-2018 (được điều chỉnh 2014-2019). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Pleiku là đơn vị trực tiếp quản lý dự án.
Tuy nhiên dự án đã không hoàn thành đúng tiến độ. Không những thế, khoảng 8h30 ngày 11-6-2021, khi công trình đang trong quá trình thi công thì xảy ra sự cố sạt lở đoạn chân mái kè gia cố dài 63m (dầm và tấm lát) bị đẩy ra suối trung bình khoảng 1,5m, đoạn lớn nhất 2,5m gây trượt mái trồng cỏ và nền đường đỉnh kè.
Kè chống sạt lở suối Hội Phú vẫn đang trong quá trình thi công.
Theo giải thích của đơn vị chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn đến công trình không đạt tiến độ như kế hoạch là do thời điểm phê duyệt quyết định đầu tư, Luật Đầu tư công mới được ban hành và có hiệu lực nên một số cơ quan, đơn vị tham mưu nghiên cứu chưa kĩ các quy định pháp luật. Từ đó dẫn đến quá trình lập các hồ sơ liên quan phê duyệt dự án còn lúng túng, một số nội dung phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung thêm thông tin mới đủ cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án theo quy định.
Ngoài ra, một số nhà thầu có ít kinh nghiệm về thi công các công trình lớn, nhiều hạng mục nên còn lúng túng trong quá trình xây dựng; quyết định đầu tư dự án không có hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng và kinh phí giải phóng mặt bằng nên phải điều chỉnh, bổ sung; quá trình lập dự án không đánh giá hết tác động đối với vùng giáp ranh nên quá trình thi công gây ngập nước cản trở giao thông, từ đó phát sinh khiếu kiện của các hộ dân, ảnh hưởng đến tiến độ dự án…
Ông Hoàng Minh Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Pleiku cho biết, đến nay công trình xây dựng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn phần khắc phục các hư hỏng ở chân mái kè bị sạt lở trước đó.
Những đại dự án thủy lợi vừa xây xong đã hỏng
Công trình thủy lợi Pleikeo (xã Ayun, huyện Chư Sê) được quyết định đầu tư nhằm cấp nước tưới cho 400 ha lúa và 100 ha hoa màu cho hơn 800 hộ dân xã Ayun - vùng căn cứ cách mạng nhưng đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng do UBND huyện Chư Sê làm chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng là Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Thành (tỉnh Quảng Nam), thời gian thực hiện dự án từ tháng 6-12-2019. Tuy nhiên, công trình này không đạt được tiến độ như kế hoạch nên phải liên tục được điều chỉnh.
Đến tháng 8-2020, khi công trình đã cơ bản hoàn thành, chờ nghiệm thu, bàn giao thì xuất hiện hàng loạt hư hỏng. Một số vị trí cục bộ có hiện tượng rạn nứt chân chim phần bê tông tường kênh và tấm đan đậy nắp kênh; một số cống, phần gia cố bằng bê tông mái ngoài kênh trên cống tiêu còn bị sụt lún, hư hỏng, hở hàm ếch; đoạn kênh dài khoảng 50m bị đổ sập hoàn toàn…
Để đảm bảo an toàn, chất lượng tại Công trình thủy lợi Pleikeo, UBND tỉnh Gia Lai đã có các văn bản yêu cầu đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hư hỏng. Tháng 4-2021, Sở NN&PTNT và UBND huyện Chư Sê đã có báo cáo kết quả kiểm tra công trình. Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai đánh giá báo cáo này không đạt yêu cầu và nội dung báo cáo kết quả kiểm điểm chưa nêu rõ các khuyết điểm của tập thể, cá nhân liên quan. Do đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu báo cáo lại và thực hiện thuê kiểm định độc lập lần 2 đối với công trình này.
Cũng tại tỉnh Gia Lai, Dự án công trình thủy lợi Ia Mơr (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng gồm hệ thống đập và kênh dẫn. Công trình do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 - Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 dự án gồm hệ thống đập, hồ thủy lợi đã hoàn thành và thực hiện chặn dòng từ năm 2017. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi công trình thủy lợi đã thực hiện tích nước thì lại… không có vùng tưới.
Mặt dù Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Gia Lai nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất để tạo vùng tưới, sớm phát huy hiệu quả dự án. Tuy nhiên đến nay, những vướng mắc này vẫn chưa được giải quyết.
Hiện đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng giai đoạn 2 của dự án gồm Kênh chính Đông và Kênh chính Tây. Khi công trình đã cơ bản hoàn thành, chờ nghiệm thu, bàn giao thì bất ngờ xuất hiện nhiều vị trí tấm đan bị sạt lở, hư hỏng kéo dài khoảng 30-40m, một số vị trí vẫn còn phần chân bê tông. Ngoài ra, nhiều diện tích lòng kênh đã bị đất đá vùi lấp, gây hạn chế dòng chảy. Theo đơn vị quản lý dự án, công trình chưa được nghiệm thu, bàn giao nên đơn vị thi công phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa các hư hỏng; các tấm đan bê tông bị đứt gãy cũng phải được thay mới để đảm bảo an toàn, chất lượng công trình.
Việc những công trình có vốn đầu tư từ vài trăm tỉ tới cả nghìn tỷ đồng nhưng chưa làm xong đã hỏng, không phát huy hiệu quả đề ra, gây lãng phí khiến dư luận nhân dân địa phương bức xúc. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cac-cong-trinh-tai-tieng-tai-gia-lai-i622999/