Các công ty châu Âu kêu gọi trì hoãn quy định về AI
Hàng chục công ty lớn nhất châu Âu hôm nay (4/7) kêu gọi tạm dừng các quy định mang tính bước ngoặt về trí tuệ nhân tạo (AI), cảnh báo việc triển khai quá nhanh có thể tổn hại đến khả năng dẫn đầu của khối trong cuộc đua AI toàn cầu.
Bộ quy định toàn diện về AI của Liên minh châu Âu (EU) đã có hiệu lực từ năm ngoái, nhưng kể từ đó, khối này đã chuyển hướng sang việc củng cố các ngành công nghiệp của mình để đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và Mỹ. Chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng đã chỉ trích các quy định này. Phó Tổng thống JD Vance hồi tháng hai đã chỉ trích EU vì các quy định "quá mức".

Hàng chục công ty lớn nhất khu vực đã kêu gọi Liên minh châu Âu tạm dừng các quy định mang tính bước ngoặt về trí tuệ nhân tạo.
Giờ đây, 46 giám đốc điều hành hàng đầu từ các công ty như Airbus và Mistral của Pháp, gã khổng lồ công nghệ Hà Lan ASML, cùng với Lufthansa và Mercedes-Benz của Đức, đang kêu gọi Brussels xem xét lại các quy định này. Họ cho rằng các quy định phức tạp của EU đang "đặt tham vọng AI của châu Âu vào nguy cơ, không chỉ cản trở sự phát triển của các nhà vô địch châu Âu mà còn ảnh hưởng đến khả năng triển khai AI ở quy mô cần thiết để cạnh tranh toàn cầu".
Các CEO đã thúc giục Ủy ban châu Âu đề xuất tạm dừng hai năm và "đơn giản hóa thêm các quy định mới" - vốn vẫn chưa công bố bộ quy tắc thực hành. Theo các CEO, việc tạm dừng này nên áp dụng cho các nghĩa vụ liên quan đến các mô hình AI đa năng - như ChatGPT của OpenAI - và các hệ thống AI rủi ro cao, dự kiến có hiệu lực vào tháng 8/2025 và tháng 8/2026.
Luật AI của EU áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro đối với công nghệ này. Rủi ro càng cao đối với quyền lợi hoặc sức khỏe của người dân châu Âu, thì các hệ thống càng phải chịu nhiều nghĩa vụ hơn để bảo vệ cá nhân khỏi tác hại.
EU đã và đang làm việc trên bộ quy tắc bị trì hoãn từ lâu để cung cấp hướng dẫn về cách áp dụng các quy định này cho các mô hình AI đa năng, bao gồm Gemini của Google và Le Chat của Mistral. Có kỳ vọng rằng bộ quy tắc này sẽ được nới lỏng và Ủy ban châu Âu cho biết nó sẽ được công bố trước khi các quy định về mô hình AI đa năng có hiệu lực vào tháng tới.
Về phần mình, Liên minh châu Âu khẳng định sẽ tuân thủ đúng lộ trình triển khai bộ luật AI mang tính bước ngoặt, bất chấp nỗ lực tập hợp của hơn một trăm công ty công nghệ nhằm trì hoãn các quy định này.
"Tôi đã thấy rất nhiều bài báo, nhiều lá thư và nhiều ý kiến về Đạo luật AI. Tôi xin nói rõ, không có chuyện thay đổi lộ trình ở đây. Không có thời gian ân hạn. Không có tạm dừng", phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Thomas Regnier tuyên bố.
Đạo luật AI là một quy định dựa trên rủi ro đối với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cấm hoàn toàn một số trường hợp sử dụng "rủi ro không thể chấp nhận được" như thao túng hành vi nhận thức hoặc chấm điểm xã hội.
Luật cũng xác định một nhóm các ứng dụng "rủi ro cao", chẳng hạn như sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt, hoặc AI được sử dụng trong các lĩnh vực như giáo dục và việc làm. Các nhà phát triển ứng dụng sẽ cần đăng ký hệ thống của họ và đáp ứng các nghĩa vụ quản lý rủi ro và chất lượng để được tiếp cận thị trường EU.
Một nhóm ứng dụng AI khác, như chatbot, được coi là "rủi ro thấp" và phải tuân thủ các nghĩa vụ minh bạch nhẹ nhàng hơn.
EU đã bắt đầu triển khai Đạo luật AI từ năm ngoái theo cách phân giai đoạn, với các quy định đầy đủ sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2026.