Các công ty game Nhật Bản tìm chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc
Nintendo cho biết có 'nhiều yếu tố không xác định' trên thị trường Trung Quốc và 'không dễ đạt được doanh thu đáng kể trong thời gian ngắn'.
Nintendo và Sony Group đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng Trung Quốc cho các máy chơi game Switch và PlayStation 5 của họ, giữa bối cảnh các rào cản về quy định khiến hầu hết các trò chơi điện tử của hai “ông lớn” ngành game Nhật Bản không thể thâm nhập vào thị trường trị giá 42 tỷ USD này.
Tencent Holdings và các nhà sản xuất trò chơi điện tử lớn khác của Trung Quốc là một trong những tên tuổi nổi bật nhất tại triển lãm trò chơi điện tử ChinaJoy ở Thượng Hải (Trung Quốc), một trong những sự kiện về game lớn nhất châu Á. Cũng có sự hiện diện của các đối thủ Nhật Bản tại triển lãm này. Sony Interactive Entertainment (SIE) có một gian hàng PlayStation, giới thiệu ba trò chơi đang được phát triển với các nhà sáng tạo Trung Quốc. Nhưng một số người tiêu dùng Trung Quốc bày tỏ sự hoài nghi về các trò chơi Nhật Bản.
SIE thành lập một công ty con tại Trung Quốc vào năm 2014 và ra mắt PlayStation 4 (PS4) tại đây vào năm 2015, tiếp theo là PS5 vào năm 2021. Nintendo phát hành Switch tại Trung Quốc vào năm 2019 với sự hợp tác của Tencent. Song cả hai đều không đạt được mức tăng trưởng như mong đợi.
SIE cho biết họ dự định phát hành thêm nhiều trò chơi mới sau khi được cơ quan quản lý Trung Quốc phê duyệt. Đây là một rào cản lớn đối với các công ty trò chơi điện tử Nhật Bản. Theo số liệu của Trung Quốc, cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt khoảng 30 tựa game Switch được nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc nơi khác và 20 tựa game được phát triển tại chính Trung Quốc. PS5 thậm chí còn có ít tựa game được phê duyệt hơn, với 10 bản nhập khẩu và 8 bản phát triển tại Trung Quốc.
Tính tới tháng Ba năm nay, kể từ khi phát hành toàn cầu năm 2017, Switch đã tích lũy được khoảng 1.900 tựa game tại Nhật Bản và 2.300 tựa game tại Mỹ. Các cơ quan quản lý Trung Quốc kiểm duyệt nội dung trò chơi để tránh những tác động tiêu cực tiềm tàng đối với xã hội, từ chối phê duyệt các trò chơi được coi là quá bạo lực hoặc mang tính chính trị.
Các trò chơi Switch thuộc loạt phim The Legend of Zelda nổi tiếng của Nintendo hiện vẫn chưa được bán tại Trung Quốc do chưa được phê duyệt. Ông Hideki Yasuda, nhà phân tích cấp cao của Toyo Securities cho biết: “Đối với các công ty Nhật Bản, việc được cơ quan quản lý Trung Quốc phê duyệt tốn rất nhiều chi phí mà lợi nhuận thấp, vì vậy điều đó không đáng để họ làm”.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Gamma Data cho thấy thị trường trò chơi của Trung Quốc tăng trưởng 14% trong năm 2023, lên 303 tỷ NDT (41,8 tỷ USD), phục hồi sau sự suy giảm do các hạn chế siết chặt hơn đối với trò chơi trực tuyến dành cho những đối tượng chưa vị thành niên. Nhưng doanh số bán các máy chơi game, bao gồm cả Switch và PS5, chỉ đạt 2,9 tỷ NDT trong cùng kỳ.
Nintendo cho biết có “nhiều yếu tố không xác định” trên thị trường Trung Quốc và “không dễ đạt được doanh thu đáng kể trong thời gian ngắn”. Sự phổ biến của trò chơi trên thiết bị di động ở Trung Quốc là một trở ngại khác đối với việc kinh doanh các máy chơi game. Doanh số bán các trò chơi trên mạng di động tại Trung Quốc tăng 18% vào năm 2023 lên 226,9 tỷ NDT, chiếm 70% thị trường này. Hầu hết trong số gần 6.000 trò chơi được cơ quan quản lý Trung Quốc phê duyệt trong 5 năm kể từ khi Nintendo ra mắt Switch tại Trung Quốc là dành cho thiết bị di động.
Tencent đang lên kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo để tăng tốc phát triển các trò chơi và cải thiện sự hài lòng của người dùng. Các nhà phát triển game khác cũng đang tìm cách triển khai công nghệ này. Do vậy, sự cạnh tranh trong lĩnh game dường như sẽ ngày càng gay gắt. Và các công ty game Nhật Bản sẽ chưa thể từ bỏ thị trường Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Newzoo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 46% thị trường trò chơi điện tử toàn cầu trị giá 183,9 tỷ USD vào năm 2023, với Trung Quốc chiếm một phần đáng kể trong số này.
Nintendo cho biết sẽ công ty sẽ “nỗ lực chứng minh sức hấp dẫn của Tencent và chúng tôi”. Trong khi đó, Sony đang tập trung vào dự án China Hero tại Thượng Hải, hỗ trợ các nhà phát triển game địa phương và đã phát hành một số trò chơi trên toàn cầu thông qua sáng kiến này.