Các công ty lớn trên thế giới gây thiệt hại về khí hậu lên tới hàng nghìn tỉ đô la
Một nghiên cứu mới cho biết các tập đoàn lớn nhất thế giới đã gây ra thiệt hại về khí hậu lên tới 28 nghìn tỷ đô la.

Thiệt hại khí hậu do các tập đoàn lớn nhất thế giới gây ra lên tới 28 nghìn tỷ đô la. Ảnh: AP
Thiệt hại về khí hậu do các tập đoàn lớn nhất thế giới gây ra
Theo the Associated Press, một nhóm nghiên cứu của Đại học Dartmouth, Mỹ cũng đưa ra ước tính về mức độ ô nhiễm do 111 công ty lớn trên thế giới gây ra.
Đáng chú ý, 1/2 tổng số tiền thiệt hại kể trên đến từ 10 nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch: Saudi Aramco, Gazprom, Chevron, ExxonMobil, BP, Shell, National Iranian Oil Co., Pemex, Coal India và British Coal Corporation.
Để so sánh, 28 nghìn tỷ đô la sẽ chỉ ít hơn một chút so với tổng số hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ vào năm ngoái.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tuần trước, nhóm nghiên cứu nêu bật hai công ty Saudi Aramco và Gazprom đứng đầu danh sách, đã gây ra thiệt hại về nhiệt lên tới hơn 2 nghìn tỷ đô la trong nhiều thập kỷ.
Các nhà nghiên cứu cũng tính toán 1% khí nhà kính thải vào khí quyển kể từ năm 1990 gây ra thiệt hại 502 tỷ đô la do nhiệt, mà không bao gồm chi phí phát sinh do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác như bão, hạn hán và lũ lụt.
Nghiên cứu này được xem là một nỗ lực nhằm xác định "mối liên hệ nguyên nhân - kết quả về trách nhiệm giải trình của các công ty trước vấn đề liên quan đến khí hậu khắc nghiệt", tác giả chính của nghiên cứu và hiện là nhà khoa học hệ thống Trái đất tại Đại học Stanford, ông Christopher Callahan cho biết.
Công ty nghiên cứu Zero Carbon Analytics cũng thống kê khoảng 68 vụ kiện được đệ trình trên toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu, trong đó hơn 1/2 các công ty là ở Mỹ.
"Các mối nguy hiểm về khí hậu hoặc thiệt hại có đến từ những công ty hoặc cá nhân gây ra phát thải không? Câu trả lời là có", nhà khoa học khí hậu tại Dartmouth và là đồng tác giả của nghiên cứu Justin Mankin cho biết.
Tính toán mức độ ô nhiễm phát thải từ các công ty lớn thế giới
Các nhà nghiên cứu bắt đầu với lượng khí thải từ các nhà máy điện chạy bằng than vì lượng carbon dioxide sẽ tồn tại trong không khí lâu hơn thế nhiều.
Họ đã sử dụng 1.000 mô phỏng máy tính khác nhau. Bằng việc sử dụng phương pháp này, các nhà nghiên cứu có thể xác định ô nhiễm từ Chevron đã làm tăng nhiệt độ của Trái đất lên 0,045 độ F (0,025 độ C).
Các nhà nghiên cứu cũng tính toán mức độ ô nhiễm của từng công ty, thực hiện khảo sát vào 5 ngày nóng nhất trong năm bằng cách sử dụng thêm 80 mô phỏng máy tính và sau đó so sánh cường độ nhiệt độ với những thay đổi trong sản lượng kinh tế.
Hệ thống này - cũng được mô phỏng theo kỹ thuật - đã được các nhà khoa học sử dụng trong hơn một thập kỷ để xác định nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như đợt nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2021, là do biến đổi khí hậu.
"Tất cả các phương pháp mà các nhà nghiên cứu sử dụng đều khá mạnh mẽ và hiệu quả", bà Friederike Otto, nhà khoa học về khí hậu của Imperial College London, người đứng đầu World Weather Attribution nói.
Theo bà Otto, nhóm các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu để đánh giá xem các sự kiện thời tiết khắc nghiệt có tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu hay không. Và nếu có, mức độ trầm trọng lên đến mức nào. Bà Otto đã không tham gia vào nghiên cứu này.
Bà Otto cũng lưu ý sẽ rất tốt nếu cách tiếp cận này được nhiều nhóm khác nhau áp dụng hơn. Cũng giống như việc đánh giá các sự kiện, càng có nhiều nhóm thực hiện thì khoa học càng tốt hơn. Chúng ta càng biết rõ hơn điều gì tạo nên sự khác biệt và điều gì không.
Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng khí hậu
Cho đến nay, chưa có vụ kiện trách nhiệm pháp lý về khí hậu đối với một quốc gia phát thải carbon lớn nào thành công, nhưng có lẽ “bằng chứng khoa học mạnh mẽ” vẫn có thể thay đổi điều đó.
“Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng khí hậu. Mức tổng thiệt hại quá lớn có thể lên tới hàng chục tỷ đô la mỗi năm”, Chris Field, một nhà khoa học về khí hậu của Đại học Stanford, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định
Các nhà khoa học thế giới cũng lên tiếng: "Cách duy nhất để hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu là thế giới phải “đồng lòng” tiến hành các biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính, “bằng mọi giá và ngay lập tức”.
Liên Hợp quốc đã cảnh báo rằng tình trạng nóng lên toàn cầu có nguy cơ sớm nằm ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến khủng hoảng khí hậu trong nhiều thập kỷ tới.
Việc các nước cam kết cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho đến nay là chưa đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, chưa tính đến mức khuyến nghị lý tưởng là 1,5 độ C.
Theo nghiên cứu, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, số đợt nắng nóng có thể giảm 45%, hạn hán và lũ lụt giảm gần 40% so với mức dự báo hiện nay.