Các công ty tiền điện tử kêu gọi Quốc hội Mỹ lập quy định phù hợp
Các CEO viện dẫn sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực tiền điện tử cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư với tài sản kỹ thuật số, do đó thị trường này cần được hỗ trợ bằng các quy tắc rõ ràng.
Các Giám đốc điều hành (CEO) từ sáu công ty tiền điện tử lớn ngày 8/12 đã thúc giục Quốc hội Mỹ đưa ra các quy tắc rõ ràng hơn cho ngành công nghiệp trị giá 3.000 tỷ USD đang bùng nổ, nhưng đồng thời cảnh báo rằng những hạn chế quá nghiêm ngặt sẽ đẩy ngành này ra nước ngoài.
Phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao của ngành công nghiệp giải thích hoạt động kinh doanh của họ với các nhà lập pháp Mỹ.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng tiền điện tử có thể gây ra rủi ro mang tính hệ thống và làm tổn thương các nhà đầu tư.
Tham gia phiên điều trần bao gồm CEO Alesia Haas của Coinbase, CEO Jeremy Allaire của Circle, CEO Sam Bankman-Fried của FTX Trading, CEO Chad Cascarilla của Paxos, CEO Dennelle Dixon của Stellar Development Foundation và người đứng đầu công ty chuyên về giải pháp blockchain BitFury Brian Brooks.
Các giám đốc điều hành lặp lại nhiều lần kêu gọi về xây dựng các quy tắc cẩn trọng, phù hợp thay vì buộc ngành công nghiệp phải tuân thủ các quy định hiện có. Theo các quản lý cấp cao này, họ hoan nghênh những quy định rõ ràng vì chúng có thể giúp ngành công nghiệp mở rộng. Song những quy tắc quá hạn chế có thể phản tác dụng.
Họ viện dẫn rằng sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực tiền điện tử cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư đối với tài sản kỹ thuật số, do đó thị trường này cần được hỗ trợ bằng các quy tắc rõ ràng thay vì bị kìm hãm.
Theo các nhà phân tích, Quốc hội khó có thể sớm đưa ra các quy định mới về tiền điện tử. Nhiều khả năng giới lập pháp Mỹ coi phiên điều trần chủ yếu như một cơ hội tìm hiểu, khảo sát thực tế.
Một số nhà lập pháp, đặc biệt là thành viên đảng Cộng hòa, đánh giá cao việc các công ty đã dẫn đầu một xu hướng công nghệ quan trọng và có thể mang tính then chốt. Tuy nhiên, sự phức tạp và biến động của tiền điện tử, cũng như các tiêu chuẩn khác nhau hoàn toàn xung quanh việc minh bạch thông tin, lượng dự trữ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng nhiều chính sách khác khiến một số nhà lập pháp lo ngại.
Một số nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại rằng các sản phẩm này có thể được sử dụng cho mục đích bất hợp pháp, hoặc để lợi dụng những người tiêu dùng cả tin.
Sự phát triển nhanh chóng của tiền điện tử và đặc biệt là stablecoin - một loại tài sản kỹ thuật số được gắn với tiền tệ truyền thống, đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý. Giới hữu trách lo ngại chúng có thể khiến hệ thống tài chính gặp rủi ro nếu không được giám sát đúng cách.
Vào tháng 11, một nhóm do Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu đã khuyến nghị Quốc hội thông qua một đạo luật quy định rằng chỉ các công ty có tiền gửi được bảo hiểm, như các ngân hàng, mới nên phát hành stablecoin./.