Các container hồ tiêu được tái xuất: Bộ Công Thương đã thể hiện rõ vai trò chủ động và tích cực
Sau rất nhiều nỗ lực của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal), 61/62 container hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal đã được tái xuất về Việt Nam theo mong muốn của các doanh nghiệp.
Sau rất nhiều nỗ lực của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) để làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal (nơi các công hàng bị mắc kẹt) và Ấn Độ (nơi các công hàng phải quá cảnh để về Việt Nam), các công hàng hồ tiêu của doanh nghiệp Việt Nam đã về đến Việt Nam theo mong muốn của các doanh nghiệp.
Ngày 12/11/2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam có các công hàng hồ tiêu bị mắc kẹt tại Nepal, đã gửi thư cảm ơn Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan về việc đã hỗ trợ, giúp đỡ các các doanh nghiệp Việt Nam “giải cứu” thành công 61/62 công hàng hồ tiêu bị mắc kẹt tại Nepal và quá cảnh qua Ấn Độ. Hiệp hội và các doanh nghiệp thể hiện an tâm và tin tưởng vì có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước đối với các khó khăn của doanh nghiệp.
Tích cực hỗ trợ Hiệp hội và các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng Hiệp hội và doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên các công hàng bị mắc kẹt do chính sách hạn chế nhập khẩu hồ tiêu của Nepal đưa ra vào đầu tháng 4/2020.
Ngay khi nhận được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc chỉ đạo các Đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, đặc biệt là Vụ Thị trường châu Á - châu Phi phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) thực hiện rất nhiều buổi làm việc trực tuyến với các cơ quan đối tác phía Nepal, Ấn Độ.
Đồng thời, gửi các công hàm của Bộ Công Thương và Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) sang cơ quan đối tác tại Nepal, Ấn Độ; Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trực tiếp ký công thư ngày 19/6/2020 và công thư ngày 27/7/2020 gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đề nghị phía Bạn cho phép giải phóng các công hàng đang mắc kẹt tại cảng, đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục giải phóng hàng tại Nepal, không làm gia tăng các chi phí cho doanh nghiệp.
Với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, các Đơn vị của Bộ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (cơ quan đại diện của Bộ Công Thương tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal) đã không quản vất vả, triển khai nhiều biện pháp để thu thập, nắm bắt đầy đủ thông tin, các khó khăn, thiệt hại thực tế của doanh nghiệp, làm việc, yêu cầu phía Nepal cho giải phóng các công hàng hồ tiêu về Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng tại Ấn Độ đẩy nhanh các thủ tục quá cảnh hàng hóa.
Trước các nỗ lực của phía Việt Nam, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã tích cực xem xét và giải quyết vụ việc. Theo đó, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã có công văn gửi Hải quan Nepal kèm theo danh sách các công hàng tiêu của doanh nghiệp Việt Nam để yêu cầu Hải quan Nepal cho phép các công hàng này được tái xuất. Các thủ tục quá cảnh hàng hóa tại Ấn Độ cũng được phía Ấn Độ tạo điều kiện thực hiện nhanh hơn so với quy định.
Cho đến nay, 61/62 công hàng hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam đã về đến Việt Nam, 1 công hàng đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để chuyển về Việt Nam.
Việc các công hàng được “giải cứu” thành công đã chấm dứt các chi phí lưu kho bãi phát sinh cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong bối cảnh giá tiêu xuất khẩu đang tăng cao, sau khi kéo được các công hàng về nước, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu các công hàng tiêu này đi nhiều thị trường khác để bù đắp các chi phí bị ảnh hưởng do sự việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa rồi.