Các cửa khẩu phía Bắc lại 'báo động đỏ' với hàng chục nghìn xe hàng ùn tắc
Theo số liệu mới nhất từ Cổng thông tin một cửa quốc gia, lượng xe hàng chờ thông quan ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã ùn tắc trở lại. Lực lượng Hải quan đóng tại cửa khẩu đang nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ, song đây không phải giải pháp căn cơ.
“Định vị” hàng Việt để không còn cảnh ùn tắc tại cửa khẩu
Hải quan “căng mình” xử lý ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc
Ngành Hải quan chủ động ứng dụng công nghệ để xử lý
Địa phận Lạng Sơn đã "chuyển đỏ" với hơn 5.000 xe hàng đang chờ thông quan.
Lượng xe lên cửa khẩu vẫn liên tục tăng
Mật độ phương tiện chờ được thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục tăng cao, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn Lạng Sơn mức cảnh báo đỏ, trên 5.000 xe.
Cập nhật số liệu mới nhất từ ứng dụng cảnh báo chống ùn tắc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia vào cuối ngày 28/2, tổng lượng xe đang nằm ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc lên đến cả chục nghìn phương tiện, tăng khoảng 20% so với đầu tuần trước.
Tại Lạng Sơn – địa phương đang được đánh dấu màu đỏ trên bàn đồ, lưu lượng phương tiện duy trì ở mức lớn nhất và tăng cao nhất.
Trong đó, số xe đang “nằm” tại cửa khẩu Cốc Nam là 1.641 xe, ga Đồng Đăng là 1.549 xe, Hữu Nghị 1.386 xe. Ở Tân Thanh mật độ phương tiện có thấp hơn, ở mức 855 xe.
Tiếp sau đó là khu vực Lào Cai với mật độ đông nhất tập trung tại ga Lào Cai với 1.119 xe, cửa khẩu Lào Cai 1.039 xe.
Quảng Ninh là khu vực có mật độ phương tiện lớn thứ 3 với gần 3.000 xe, cũng tăng so với tuần trước. Phương tiện tập trung chủ yếu tại Móng Cái cách đây vài hôm đã cơ bản được giải phóng, chỉ còn 551 xe. Trong khi đó số xe ở ICD Thành Đạt còn 1.423 xe, khu vực cửa khẩu Lào Cai hơn 1.000 xe.
Các địa bàn khác ở khu vực biên giới phía Bắc đều có số xe ở mức lưu lượng xanh, không bị ùn tắc.
Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đây là lần đầu tiên một địa phương có cảnh báo mật độ phương tiện màu đỏ (5.000 xe trở lên).
Lưu lượng phương tiện cập nhật đến hết ngày 28/2/2022. Biểu đồ: H.Vân.
Trong tuần trước, khi nhận định lưu lượng xe lên cửa khẩu gia tăng, Lạng Sơn đã có 1 đợt tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 ngày, từ ngày 16/2 cho đến hết ngày 25/2.
Đồng thời, phía Lạng Sơn cũng gửi văn bản đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố có mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, thương nhân.
Thiết lập “vùng xanh chung”
Trước diễn biến ùn tắc hàng hóa phức tạp, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương liên quan về tình hình xử lý.
Trong kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những chính sách triển khai thời gian qua là kịp thời nhưng chưa thực sự căn cơ, chưa giải quyết tận gốc của vấn đề, chưa khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc hàng hóa, trong đó đa số là nông sản, tại các khu vực cửa khẩu.
Tới đây, theo lãnh đạo Chính phủ, bên cạnh việc tích cực triển khai các giải pháp đã có như đẩy mạnh thông tin về tình trạng ùn tắc, chủ động hạn chế phương tiện dồn về cửa khẩu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phía bạn để đẩy nhanh tốc độ thông quan.
Hiện nay, UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai đang khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để triển khai giải pháp là phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước.
Theo đó, bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe. Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2. Đây là giải pháp được đánh giá phù hợp, có thể rút ngắn đáng kể thời gian thông quan so với hiện nay.
Về dài hạn, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đang khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch để thống nhất thực hiện.
Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc./.