Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực để phát triển

5 năm một lần, Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh biểu dương những đóng góp của các già làng, trưởng thôn, buôn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nỗ lực của các cá nhân vươn lên làm kinh tế giỏi và ghi nhận mong ước của những người trẻ muốn xây dựng buôn làng ngày càng phồn vinh.

1.“Cây cao bóng cả” của đồng bào Ba Na - Già làng La Mo Tư ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), cho biết: Cảm ơn Đảng, Nhà nước, thông qua những chính sách hỗ trợ đã giúp đồng bào Ba Na ở thôn Phú Lợi nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh nói chung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Già mong Đảng, Nhà nước, chính quyền tiếp tục chăm lo cho đồng bào DTTS để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với đồng bào và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Già làng La Mo Tư tham gia cách mạng từ tháng 2/1955, từng làm bí thư xã đoàn, bí thư huyện đoàn, phó ban cán sự đảng huyện Miền Tây, huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ.

Về hưu từ năm 1993, đến nay già vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đi đầu gương mẫu trong các phong trào như hiến đất, bỏ hàng rào, đóng góp ngày công, vật liệu cùng Nhà nước hoàn thành đường bê tông nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Già còn vận động bà con từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không mê tín dị đoan; đến trạm y tế khi ốm đau, sinh đẻ; không tảo hôn... Khuyến khích đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS...

2. La O Lanh ở thôn Đá Bàn, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) - người con của dân tộc Chăm vươn lên làm kinh tế giỏi. Nói về quá trình vươn lên làm giàu của mình, La O Lanh cho biết: Hôm nay, được trở thành đại biểu dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III, tôi rất vinh dự và có thêm động lực để cố gắng hơn nữa.

Gia đình tôi có 7,4ha đất sản xuất. Tôi chia ra trồng 3ha mía, 1ha sắn, 3ha keo, 0,4ha lúa hai vụ. Tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật thâm canh mới từ sách báo, internet và các lớp tập huấn nông nghiệp. Nhờ đó, từ sản xuất, mỗi năm tôi thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Tôi luôn nỗ lực đi đầu trong các phong trào làm kinh tế, trở thành nông dân sản xuất giỏi với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình và giáo dục cho thế hệ trẻ luôn cần cù, chịu khó, đấu tranh với cái đói cái nghèo, vươn lên làm giàu trên chính đất rẫy quê mình.

3. Ở tuổi 26, Niê Hờ Đào, Trưởng buôn Lê Diêm ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) có lẽ là nữ trưởng buôn nhỏ tuổi nhất trong đồng bào DTTS. Niê Hờ Đào luôn mong muốn duy trì và phát triển nghề đan đát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần của đồng bào Ê Đê ở buôn Lê Diêm, để vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào vừa phát huy thành tích buôn văn hóa, du lịch đã được công nhận năm 2016.

Hướng về Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III năm 2019, Niê Hờ Đào bày tỏ: Đại hội là dịp để những điệu múa, những sắc màu trang phục và cả những sản vật của đồng bào Ê Đê ở buôn Lê Diêm được giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh. Từ đây, bà con buôn Lê Diêm cũng như đồng bào các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ hiểu được tinh hoa văn hóa truyền thống và có ý thức bảo tồn, nâng cao giá trị văn hóa đa dạng của đồng bào DTTS.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/228688/cac-dan-toc-doan-ket-phat-huy-noi-luc-de-phat-trien.html