Các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững
Sáng 9-9, tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV, năm 2024 long trọng khai mạc.
Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội có đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 2.
Dự Đại hội có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Chẩu Văn Lâm, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngụy Văn Thận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Hoan, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hà Phúc Mịch, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Quang, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Quân khu II; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Đoàn đại biểu UBND, Ban Dân tộc các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Thuận cùng 250 đại biểu chính thức là các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ III năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, đặc biệt tỉ lệ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 7,6%/năm; hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, đạt hơn 120% kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025, vượt mục tiêu Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III đã đề ra.
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện. Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương từng bước được củng cố, kiện toàn.
Các chương trình, chính sách dân tộc và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện nghiêm túc; nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Từ năm 2021, với 3 Chương trình MTQG có tổng nguồn lực trên 27.400 tỷ đồng, đến nay đã có 74/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hơn 600 công trình hạ tầng đã và đang được xây dựng, trong đó hạ tầng giao thông được chú trọng phát triển.
Đến nay, số xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa từ 134 xã năm 2019 lên 138 xã vào năm 2024, đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99,9%. Đã có 9 xã khu vực III, 8 xã khu vực II hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trở thành xã khu vực I.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng. Hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Tại đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận và biểu dương những kết quả tỉnh Tuyên Quang đạt được trong công tác dân tộc thời gian qua. Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS.
Đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị thời gian tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các DTTS tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ về những công lao to lớn, những thành tựu đạt được đáng phấn khởi tự hào trong 5 năm qua, làm tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của địa phương mình, quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn.
Đồng thời, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế của địa phương, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 -2030 để tập trung triển khai thực hiện.
Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc.
Đồng thời tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS.
Cùng với đó, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc…
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và đánh giá cao những kết quả mà các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các DTTS trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Đồng thời tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS; tiếp tục rà soát, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong vùng đồng bào DTTS…
Đại hội thống nhất biểu quyết thông qua Quyết tâm thư với một số nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 10%; Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện đạt 50%; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào DTTS; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái.
100% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; phấn đấu 90% xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 100% đơn vị hành chính cấp xã có nhà văn hóa, trong đó trên 80% đạt chuẩn theo quy định; cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030...
Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân; trao tặng Bằng khen, kỷ niệm chương cho 5 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 30 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua.