Các 'Đấng Tiên tri' ăn chơi, hưởng thụ trên tiền dâng lễ của 'Thánh đồ'

Những 'đồng tiền xương máu' của các 'Thánh đồ' dâng lễ để các 'Đấng tiên tri' ăn chơi, hưởng thụ và chi dùng vào hoạt động của tà đạo 'Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ'.

Nữ "Thánh đồ" chia sẻ về tiền dâng lễ 1/10

Nguyễn Thị Tuyết Mai - Người đã tham gia Hội Thánh 5 năm, từng là vợ một Nhóm trưởng - rùng mình nhớ lại những ngày vì phải lo tiền dâng lễ vật, tiền đóng 1/10 thu nhập trong tháng mà suy nhược cơ thể, mắc bệnh dạ dày.

Mai nhớ lại quãng thời gian mà tổ chức cho là cô đã có đức tin đủ lớn, được những người có chức vụ trong Hội Thánh cho học bài “Thắt đai nước Thiên Đàng” để dần thao túng tâm lý, dẫn dắt Mai tin rằng, được dâng lễ vật 1/10 là phước lành.

Tiền bố mẹ gửi lên để ăn học, Mai cũng phải đóng 1/10. Khi “luật lệ” này được nới lỏng hơn, những sinh viên như Mai mới không phải đóng.

Sau khi ra trường, mỗi tháng Mai phải đóng 10% mức thu nhập từ công việc bán thời gian, rồi tiền dâng lễ vật, tính ra cũng mất chừng 500 nghìn đồng. Chính vì thế, mọi chi tiêu của Mai phải chắt bóp tới mức tằn tiện mới đủ trang trải.

Những bữa ăn chỉ có cơm với cà, hay cơm với bột canh, hoặc đơn giản là gói mì tôm… dần trở nên quen thuộc hơn với cô gái như “viên ngọc quý” của gia đình.

Mai còn bảo, các “Thánh đồ” phải đi thờ phượng ngày Sabat thứ Bảy nên chỉ có thể làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, xin việc đã khó vì thế càng khó hơn. Thêm vào đó là các kỳ lễ rồi việc phải đáp ứng “chỉ tiêu” số ngày đi truyền đạo trong tuần nên nhiều người cứ làm 2 - 3 tháng lại phải đổi việc vì thời gian không đáp ứng được.

“Cũng vì yêu cầu thời gian khắt khe nên nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn chỉ đi làm các công việc như bán bàn chải, bánh mì hay giấy vệ sinh… và chờ đợi Ngày tận thế.

“Cũng vì yêu cầu thời gian khắt khe nên nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn chỉ đi làm các công việc như bán bàn chải, bánh mì hay giấy vệ sinh… và chờ đợi Ngày tận thế.

Lễ vật 1/10 chúng tôi chỉ có đóng mà không được hỏi xem tiền ấy sẽ đi về đâu và chi tiêu như thế nào. Họ nhấn mạnh, nếu thắc mắc tiền ấy dùng để làm gì tức là phạm thượng. Chúng tôi chỉ được biết, lễ vật ấy sẽ trở thành tài sản của các anh chị em trên nước Thiên Đàng.

Không chỉ thế, người của Hội Thánh còn nhấn mạnh, những người trở về nước Thiên Đàng sẽ được hưởng chính những tiền lễ vật mà mình đã dâng, sẽ xây nhà trên nước Thiên Đàng, sẽ có các phần thưởng như ngôi sao, dải thiên hà…”, Mai tâm sự.

Học lễ vật 1/10, Mai được dạy phải dâng đúng 1/10, không được dâng thiếu nhưng dâng thừa thì được. Dù chỉ dâng thiếu 1.000 đồng đối với lễ vật 1/10 cũng là ăn trộm tiền của Đức Chúa Trời. Họ còn chỉ ra rằng, những người được dâng lễ vật 1/10 là vô cùng may mắn.

Cũng theo Mai, họ nói là được dâng chứ không phải là phải dâng 1/10 và không bắt buộc nhưng ai không dâng lễ vật này sẽ bị đọa xuống Hồ lửa địa ngục nên các “Thánh đồ” đều sợ và răm rắp nghe theo.

Tiền dâng lễ vật 1/10 được bỏ trong phong bì trắng có ghi mã số sự sống được bắt đầu bằng mã địa phương (mã Hà Nội là M06). Mã số sự sống còn bao gồm ngày tháng được khai sinh lại về mặt linh hồn chính là ngày dự lễ Baptem, trở thành “Thánh đồ” của Hội Thánh kèm dãy số ký hiệu của từng người.

Mỗi người phải nhớ mã số sự sống của mình để khi tận thế đọc mã số đó ra sẽ được về nước Thiên Đàng.

Ngoài mã số sự sống, trên phong bì dâng lễ vật 1/10 còn ghi họ tên, số điện thoại, Sion (chi nhánh của Hội Thánh mình đang trực thuộc) rồi đưa lễ vật cho những người cấp cao hơn như Khu vực trưởng, Nhóm trưởng, Chấp sự.

Thời điểm làm “Thánh đồ”, Nguyễn Hải - Người đã có 6 năm tham gia Hội Thánh này và đạt đến chức vụ Nhóm trưởng - cũng sống cách biệt xã hội, từ bỏ mọi ham mến đời này, cũng như mối quan hệ, công việc đi làm cầm chừng để đủ tiền trang trải cuộc sống và dâng lễ vật hàng tuần cũng như tiền lễ vật 1/10.

Theo chia sẻ của Hải, 1/10 là lễ vật nhiều tiền nhất, những người trong Hội Thánh nói không bắt buộc, nhưng thực chất là bắt buộc vì quy định nếu đã là “Thánh đồ” thì phải đóng góp 1/10 số tiền mình kiếm ra. Người có chức vụ đã được kiểm tra đức tin, sẽ thu số tiền ấy từ các “Thánh đồ” và nộp lại cho tổ chức.

Nguyễn Hải nêu ví dụ, nếu 1 tháng, “Thánh đồ” làm ra được 20 triệu đồng thì phải dâng lễ vật 1/10 là 2 triệu đồng. Ngoài số tiền ấy còn nhiều tiền khác, những người thu nhập ở mức này thì mỗi tháng chỉ tính riêng tiền dâng lễ vật cũng khoảng 3 triệu đồng.

Hải là người kiểm đếm số tiền ấy trước khi được gửi đi. Lễ vật rất nhiều, Hà Nội lại đông người tham gia nên khi kiểm đếm, tiền lễ vật trong 1 tháng của 1 Sion có thể lên tới mấy trăm triệu đồng.

Những góc khuất mà Nguyễn Hải vạch ra thì các “Thánh đồ” hay “Người truyền đạo” hàng ngày mải mê thờ phượng, dâng lễ vật, học Kinh Thánh… và được vỗ về bằng tình yêu thương của Cha Mẹ, nước Thiên Đàng với cuộc sống tự do tự tại sẽ không bao giờ biết được. Khi giữ tới chức vụ Nhóm trưởng trong Hội Thánh, những sự lừa dối trong đó mới dần lộ diện.

Anh cho biết, tại Việt Nam, các chức vụ trong “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” được phân cấp: Thánh đồ - Người truyền đạo - Khu vực trưởng - Địa vực trưởng - Nhóm trưởng - Chấp sự - Truyền đạo sư.

Nguyễn Hải tham gia Hội Thánh vào năm 2016 lúc vừa ra trường và được anh trai truyền đạo nên không chút nghi ngờ rồi nhanh chóng trở thành “Thánh đồ” của tổ chức này.

Sau 6 năm tham gia Hội Thánh, từ “Thánh đồ”, Hải được giao giữ chức Khu vực trưởng rồi Nhóm trưởng quản lý khoảng 100 người khi đức tin đã được thử thách và trở nên tuyệt đối. Hải lấy vợ cũng là người trong Hội Thánh.

Theo anh, đây là chức vụ cao, nếu không có đức tin tuyệt đối sẽ rất nguy hiểm cho tổ chức vì họ sẽ dần làm lộ ra những điều các “Thánh đồ” không thể tưởng tượng được, với người có đức tin bình thường khi nghe sẽ không thể chấp nhận được.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, càng hoạt động lâu trong Hội Thánh, càng lên chức vụ cao thì những điều bất nhất và mờ ám của tổ chức này dần được phơi bày, đức tin của Nguyễn Hải vì thế bị mai một dần và trở về số 0.

“Họ dạy tôi, không truyền đạo cho người khuyết tật, không chia sẻ cho những người hư hỏng (giang hồ) hay những người khó khăn về kinh tế như ăn xin, vô gia cư...

Người chức vụ nữ thì không nên có thai. Vợ tôi cũng không được phép có bầu, sinh con. Trường hợp có bầu thì họ sẽ gặp riêng để nói nên phá thai và đe dọa, nếu để lại đứa bé sẽ không cho giữ chức vụ hiện tại nữa. Những ai đã đảm đương vai trò Nhóm trưởng trở lên rất sợ mất chức vụ”, Hải kể.

Bản thân Hải cũng từng gặp trường hợp, vợ một nhóm trưởng có thai, người của Hội thánh khuyên không được, đứa bé chào đời và cả hai vợ chồng mất chức vụ, xuống làm “Thánh đồ”.

Hải nói, những người giữ chức từ Chấp sự trở lên đều được hưởng lương. Còn cấp Nhóm trưởng như Hải tuy chưa có lương, nhưng cũng đã được hưởng những đặc ân mà không một “Thánh đồ” nào biết và được hưởng.

Hải liệt kê, mỗi tháng một lần, các Nhóm trưởng lên đến Chấp sự được ăn ngon ở nhà hàng. Tại Việt Nam, cơ quan chức năng vẫn truy quét các điểm nhóm của Hội Thánh nên việc ăn ngoài nhà hàng bị hạn chế, thay vào đó là tụ tập tổ chức ăn uống sang trọng ở nhà một ai đó.

Khoảng 3 tháng, những người này lại được đi du lịch một lần. Theo tìm hiểu và những hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội của những người có chức vụ trong Hội Thánh thì đầu năm 2023, họ tổ chức đi du xuân.

“Việc hưởng thụ đó được họ giữ bí mật nhưng họ lại xoen xoét dạy "Thánh đồ" không ham muốn đời này, không đi du lịch, quên đi việc đi chơi cũng như ăn ngon mặc đẹp, lên nước Thiên Đàng hưởng thụ sau.

Lúc làm Thánh đồ, tôi đã vâng phục những điều đó mà không thấy khó khăn gì. Nhưng khi lên làm Nhóm trưởng rồi, tôi thấy lời dạy đó rất sai và thương các “Thánh đồ” đang ngày ngày bán mạng cho tổ chức này”, Hải nhớ lại.

Không chỉ có thế, Nhóm trưởng còn được Hội Thánh chi trả tiền thuê chung cư rộng rãi, thoải mái. Các đồ vật để sinh hoạt hàng ngày như giấy ăn, kem đánh răng, gạo, thịt… đến cả những đồ vật nhỏ nhất, Nhóm trưởng chỉ cần liệt kê ra rồi gửi Chấp sự, sẽ có người gửi tới để sử dụng mà không lo mất tiền mua. Tuy nhiên, tất cả đều quy ra vật chất, Nhóm trường như Hải không được nhận tiền mặt hay lương.

Hải đặt câu hỏi: “Tiền chi trả cho việc này từ đâu ra? Cũng chính là tiền mà các Thánh đồ phụng sự lên”. Thậm chí, Hải còn được Hội Thánh bên nước ngoài tặng quà thường xuyên như: thuốc bổ, nhân sâm, quần áo, khăn…

“Điều đó cực kỳ mâu thuẫn, bản thân các Chấp sự hay Nhóm trưởng được hưởng thụ như thế nhưng khi đối diện các “Thánh đồ” lại tỏ ra mình khổ cực, nghèo khó, thiếu thốn đủ bề, rất giả tạo.

Bản thân tôi cũng “giả tạo như thế”. Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ, sao mình lại biến chất thế này. Trước khi bước chân vào đây, bản chất ai cũng tốt nhưng Hội Thánh đã khiến cho những người như tôi biến chất. Rất may mắn, tôi vẫn đủ tỉnh táo để phát hiện ra những sự giả dối ấy và thay đổi”, anh Hải bức xúc.

Hiện tại, vợ chồng anh đã thoát ra khỏi tổ chức ấy bằng ý chí của chính mình, nhưng gần như mất hết các mối quan hệ, bạn bè và phải bắt đầu lại gần như từ hai bàn tay trắng.

Kỳ sau: "Tổ quỷ" Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ - Tổ chức tội ác

Một trưởng nhóm tà đạo Hội Thánh của Đức Chúa Trời khẳng định: “Sự tồn tại của Hội Thánh là một tội ác, nó cướp đi toàn bộ cuộc sống an lành của những người bị hại suốt cả cuộc đời!”.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cac-dang-tien-tri-an-choi-huong-thu-tren-tien-dang-le-cua-thanh-do-ar802741.html