Các danh nhân để lại dấu ấn trong lịch sử TP.HCM
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu bộ sách về các danh nhân có dấu ấn với miền Nam và Sài Gòn - TP.HCM nói riêng, đất nước nói chung.
Sách về các danh nhân có dấu ấn với miền Nam và Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản mới và tái bản chọn lọc trong dịp này gồm các tác phẩm: Chất ngọc Võ Văn Kiệt, Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, Nguyễn Văn Linh - Hành trình cùng lịch sử, Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức, Trần Văn Giàu - Dấu ấn trăm năm, Tiếng sóng bủa ghềnh - Hồi ức Ngô Thị Huệ, Hồi ức Đỗ Duy Liên Cuộc đời của mẹ.

Sách Chất ngọc Võ Văn Kiệt, Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, Nguyễn Văn Linh - Hành trình cùng lịch sử.
Những nhà lãnh đạo xuất sắc
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một lãnh tụ lớn của Nhân dân, của Nhà nước, của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người mà “với công lao to lớn, nhân dân tôn vinh là vị anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, anh hùng của thời kỳ đổi mới” (Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải).
Sách Chất ngọc Võ Văn Kiệt phác họa chân dung vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước được các thế hệ kính trọng. Thông qua cuốn sách, bạn đọc không chỉ tìm hiểu về chặng đường cách mạng hơn 60 năm, trải dài qua hai cuộc kháng chiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mà còn hiểu thêm về phong cách của một lãnh đạo, một nhà tổ chức hoạt động thực tiễn tài năng, nhạy bén và sáng tạo góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là trong những khúc quanh của lịch sử thì tầm nhìn chiến lược của ông càng tỏa sáng.
Cuốn Võ Văn Kiệt - người thắp lửa đưa chúng ta trở lại với “Những trang viết Võ Văn Kiệt” và từng chặng đường trong “Hành trình Võ Văn Kiệt”, từ khi ông đến với cách mạng cho tới những ngày cuối đời trước khi ông ra đi. Xuyên suốt cuộc hành trình này, dù ở vị trí của một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo, người đồng chí, người cha, người ông hay người công dân, chúng ta đều thấy ở ông thắm đượm phẩm chất của một nhà cách mạng nhân văn, một trí thức dấn thân và trên hết là một người con trung hiếu của dân tộc.
Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng - Tổng Bí thư thời kỳ đầu đổi mới. Cuốn Nguyễn Văn Linh - Hành trình cùng lịch sử giới thiệu bài viết của nhiều người và từ tình cảm, từ những kỷ niệm, từ những mối quan hệ mà các tác giả có cách phản ánh, thể hiện và cảm nhận riêng. Tập sách cố gắng nói lên một phần những cống hiến, tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với dân tộc, đất nước, xã hội và gia đình.
Sách được trình bày dưới dạng các chương gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với tiến trình lịch sử phát triển của đất nước.

Sách Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức, Trần Văn Giàu - Dấu ấn trăm năm.
Những nhà cách mạng lão thành có nhiều cống hiến
Trần Bạch Đằng là một nhà cách mạng lão thành có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, một nhà báo nổi tiếng trong phong trào đấu tranh cái xấu, một nhà văn để lại những tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.
Cuốn Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức là những trang viết sâu sắc, giản dị nhưng thấm đấm nghĩa tình và dồi dào tư liệu lịch sử. Qua những trang hồi ký này, bạn đọc thêm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhân cách, bản lĩnh sống, huyền thoại về tính kiên định cách mạng và một trái tim trung thực, trong sáng, luôn luôn nghĩ đến những việc ích nước lợi dân. Đã có nhiều bài viết về ông, vị giáo sư đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
Cuốn sách Trần văn Giàu - Dấu ấn trăm năm là những tư liệu quý chưa được công bố và những góc nhìn khác nhau về vị Giáo sư này. Đây là một công trình được biên soạn công phu với sự góp mặt của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu nhằm khắc họa chân dung Giáo sư Trần Văn Giàu ở cả ba khía cạnh: nhà cách mạng - nhà giáo - nhà khoa học.

Sách Tiếng sóng bủa ghềnh - Hồi ức Ngô Thị Huệ, Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ.
Những người phụ nữ đáng kính
Bà Ngô Thị Huệ là phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sách Tiếng sóng bủa ghềnh là những trang hồi ức của bà, đưa người đọc đi qua từng chặng đường của cô gái nông thôn tuổi mười bảy dấn thân vào con đường cách mạng.
Ôn lại chuyện đời mình, bà Ngô Thị Huệ như mời người đọc chia sẻ, đồng cảm với từng sự kiện, biến cố, dấu ấn của cá nhân, gia đình, đồng đội, đồng chí, đồng bào ở những vùng đất mà bà sinh, sống, hoạt động theo năm tháng trải dài gần một thế kỷ.
Bà Đỗ Duy Liên là Giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội, về sau là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM phụ trách Văn - Xã (hai nhiệm kỳ 1980-1989). Bà là người chủ trì phát hành số đầu tiên báo Phụ nữ Sài Gòn (tiền thân của báo Phụ nữ TP.HCM), đặt nền móng cho Hội bảo trợ Bệnh viện miễn phí Thành phố (sau là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM), Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP.HCM.
Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ là câu chuyện về cuộc đời, hành trang của một người mẹ, người vợ, người phụ nữ miền Nam đáng kính trọng, với những trang viết từ chính bà và từ thân hữu viết về bà.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-danh-nhan-de-lai-dau-an-trong-lich-su-tphcm-post1548563.html