Các Danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ở bất cứ thời đại nào, dù ít dù nhiều dân tộc ta đều xuất hiện các bậc hiền tài. Tất cả đều có chung một khát vọng: tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên quyết giữ vững bờ cõi thiêng liêng của đất nước. Đó là những người có đủ sức mạnh vượt lên trên những suy nghĩ, ham muốn nhỏ bé vì lợi ích riêng tư để vươn tới những hành vi cao đẹp. Trong các triều đại phong kiến, đặc biệt là những thời kỳ thịnh trị, bên cạnh các vị vua anh minh còn xuất hiện nhiều bậc quan lại thanh liêm, chính trực, xứng đáng là những tấm gương sáng để người đời noi theo.
Một dân tộc có bề dày văn hóa như dân tộc Việt Nam, với những bậc hiền tài, nhiều danh nhân văn hóa, có nhiều hào kiệt được trong nước và thế giới tôn vinh, đó là một dân tộc văn hiến. Truyền thống văn hiến đó là giá đỡ tinh thần vô cùng quý báu để dân tộc bước vào tương lai, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để bạn đọc có được cái nhìn tổng quát về những vì sao sáng đó trên bầu trời đất Việt, xin mời xem quyển sách “Các danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh” do Nguyễn Văn Tân biên soạn gồm 168 trang của Nhà xuất bản Hà Nội, xuất bản năm 2023, gồm 06 phần, tương ứng với các nhân vật được tôn vinh.
Các nhân vật được xếp theo thứ tự thời gian được vinh danh. Trong quyển sách, có 06 nhân vật lịch sử Việt Nam được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa, đó là Nguyễn Trãi (năm 1980), Hồ Chí Minh (năm 1990), Nguyễn Du (năm 2015), Chu Văn An (năm 2019), Hồ Xuân Hương (năm 2021) và Nguyễn Đình Chiểu (năm 2021).
Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất
Nguyễn Trãi là người thanh khiết bậc nhất trong những người thanh khiết. Cuộc đời của ông là một bài ca yêu nước, tự hào dân tộc, một tài năng lỗi lạc, văn võ song toàn, đã để lại cho đời sau một di sản to lớn về quân sự, văn hóa, lịch sử, địa lý ngoại giao…đặc biệt là sự nghiệp văn học. Đọc quyển sách này, chúng ta sẽ được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Nguyễn Trãi. Ông là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ trữ tình sâu sắc, đã để lại cho dân tộc ta hai tác phẩm xuất sắc Quân Trung từ mệnh tập và Bình Ngô đại cáo, Bình Ngô đại cáo là một “thiên cổ hùng văn”, là một thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc. Bên cạnh đó Nguyễn Trãi có sức ảnh hưởng trong văn hóa và nghệ thuật, góp phần xây đắp nền móng vững chãi cho văn học dân tộc.
Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất
Những dấu ấn lớn trong cuộc đời Bác được thể hiện qua từng trang sách, những cống hiến to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển chủ nghĩa yêu nước trong thời đại mới, thể hiện lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn bằng cách ra đi tìm đường cứu nước.
Nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới đã khẳng định: Ở Hồ Chí Minh tỏa ra nền văn hóa của tương lai. Yêu nước phải có văn hóa, lòng yêu nước phải được thể hiện bằng những hành động có văn hóa. Muốn vậy mỗi con người Việt Nam hôm nay phải trau dồi, trang bị cho mình những giá trị truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn năm văn hóa của dân tộc trong đó có văn hóa yêu nước Hồ Chí Minh. Ở trang 55, những dòng chữ được tiếp nối thể hiện nội dung sâu sắc về Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, là một vĩ nhân đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ XX, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Người được ghi danh vào danh sách “các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc
Lật từng trang sách để thấy được sự cống hiến của Nguyễn Du với di sản và các giá trị vượt thời gian. Với Truyện Kiều là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, ông đã kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân trong tác phẩm của mình, đưa ngôn ngữ văn học của dân tộc lên một đỉnh cao chói lọi, di sản văn hóa nhà thơ để lại cho hậu thế tiêu biểu là kiệt tác Truyện Kiều hay còn gọi là Đoạn trường tân thanh với chủ nghĩa nhân văn cao cả, là tác phẩm truyện thơ Nôm lục bát gồm 3.254 câu thơ kể về cuộc đời Thúy Kiều. Trong quyển sách này người xem sẽ hiểu về Nguyễn Du trong mạch sống tinh thần của dân tộc, thương xót thân phận người và thông điệp văn hóa của dân tộc.
Chu Văn An - Người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc
Xem quyển sách, bạn đọc hiểu về Tiểu sử Chu Văn An - Người thầy vĩ đại mãi lưu danh, người thầy lỗi lạc của văn hóa Việt Nam. Thông qua nội dung viết về Chu Văn An, chúng ta hiểu được vì sao ông được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa. Chu Văn An là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, “Học không biết mỏi, dạy không biết chán”, với cốt cách thanh cao, trí tuệ sâu sắc và đạo học vững vàng. Tấm gương người thầy Chu Văn An vẫn luôn in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam.
Thi sĩ Hồ Xuân Hương - Bà Chúa thơ Nôm
Quyển sách trình bày rõ nét những nội dung về cuộc đời huy hoàng nhưng nhiều sóng gió của bà, tập trung nói về phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương, sức sống của thi sĩ Hồ Xuân Hương trong văn hóa đương đại. Những tác phẩm nổi tiếng của bà: Bánh trôi nước, Đánh đu, Lấy chồng chung, Vịnh cái quạt…Qua các bài thơ của Hồ Xuân Hương về thân phận người phụ nữ, chúng ta có thể nhìn thấy sự thấu hiểu, sự đồng cảm, khao khát được hạnh phúc của những người phụ nữ xưa. Các bài thơ đều mang phong cách độc đáo và ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Sự phổ rộng thơ Hồ Xuân Hương đến giới trẻ được thể hiện trong các tác phẩm âm nhạc… Cho nên việc UNESCO vinh danh thi sĩ Hồ Xuân Hương cần phải hiểu đầy đủ trên cả hai phương diện: Giá trị thơ ca đặc sắc vượt thời gian và ảnh hưởng của bà đối với đời sống văn hóa đương đại ở Việt Nam, có giá trị phổ quát toàn cầu.
Nguyễn Đình Chiểu - Nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc
Nguyễn Đình Chiểu có tài năng xuất chúng và nghị lực phi thường của nhà thơ mù, ông được coi là nhà thơ tiêu biểu nhất của Nam Bộ thời phong kiến. Mặc dù bị mù mắt, nhưng sức sáng tạo của Nguyễn Đình Chiểu khiến hậu thế phải nể phục. Được biết trong quãng thời gian sau khi mù mắt, ông đã viết nên Lục Vân Tiên, một truyện thơ lục bát bằng chữ Nôm nổi tiếng với 2.082 câu thơ lục bát, kết cấu theo lối chương hồi. Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước, một tấm gương kiên trung bất khuất.
Với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc xứng đáng là một áng văn học lớn của lịch sử văn học Việt Nam. Nhìn từ góc độ văn hóa, ông là một người Việt Nam trọng đạo lý, nặng tình người, đậm đà bản sắc dân tộc, sẵn sàng hy sinh xả thân không màng danh lợi. Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu luôn chứa đựng những tinh hoa tri thức, mỗi câu thơ của ông đều như những câu ca dao, tục ngữ mới mà người ta ai cũng thuộc lòng. Từ đó như kim chỉ nam cho con người sống có đạo lý trong cuộc đời.
Thông qua quyển sách này, người đọc sẽ được nghiên cứu, tìm hiểu về các Danh nhân văn hóa Việt Nam, tự hào về những người con ưu tú của đất nước đã góp phần làm cho nền văn hóa dân tộc thêm phong phú và rạng rỡ (hiện nay, Việt Nam có 07 Danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh, năm 2023 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được vinh danh).