Các dấu hiệu báo trước cơn đau tim ập đến nhanh chóng
Nếu bạn hay ai đó bị đau ngực, nhất là kèm với một hay nhiều các triệu chứng kể dưới đây, bạn không nên chờ lâu hơn 5 phút mà gọi cấp cứu khẩn cấp.
Theo BS. Nguyễn Thị Hải Bình, BS. Bùi Ngọc Minh Tâm - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cơn đau tim thường xảy ra với đau ngực.
Các triệu chứng của cơn đau tim phụ thuộc vào: Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, tuổi, giới, sức khỏe nói chung của bạn. Các triệu chứng có thể ập đến nhanh và không có gì báo trước.
Các dấu hiệu báo trước cơn đau tim
- Một số cơn đau tim xảy ra đột ngột và dữ dội, thở hổn hển, chẹn vào tim (cảm giác đè nặng trước ngực) và té ngã xuống nền. Sự cố bắt đầu từ từ, đau nhẹ hoặc khó chịu, thường không biết mình bị cái gì và chờ khá lâu mới đi khám.
- Đa số thấy khó chịu ở giữa ngực kéo dài hơn mấy phút rồi hết hoặc bị lại. Có thể cảm thấy khó chịu như bị đè ép, bị vắt, căng đầy hoặc đau.
- Khó chịu tại các vùng khác phía trên cơ thể: có thể đau hay khó chịu một hay hai tay, cổ, lưng, hàm hay dạ dày.
- Khó thở kèm khó chịu lồng ngực
- Các dấu hiệu lo lắng khó chịu khác: Ra mồ hôi lạnh, buồn nôn hay đau đầu nhẹ.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những triệu chứng cơn đau tim sắp ập đến với phụ nữ:
Cũng như ở nam giới, phụ nữ khi bị cơn đau tim thường bị đau hay khó chịu trong lồng ngực. (Cảm giác đè nặng trước xương ức, trước vùng chấn thủy hay đau nặng ngực trái). Nhưng ở nữ thường gặp nhiều hơn ở nam một số các triệu chứng khác, đặc biệt là:
+ Đau ở giữa hay phía sau các xương bả vai
+ Mệt mỏi
+ Chóng mặt hoa mắt
+ Buồn nôn
+ Nôn
+ Ra mồ hôi
+ Đau lồng ngực
+ Khó thở
+ Đau lưng hay hàm.
Nguyên nhân của cơn đau tim (nhồi máu cơ tim)
Cơn đau tim xảy ra khi động mạch vành (là động mạch cung cấp máu cho cơ tim) bị cục máu đông làm tắc một phần hay hoàn toàn.
Cũng có thể gặp khi có mảng cholesterol to bồi đắp dần trong lòng động mạch, làm yếu và chậm dần, diễn tiến theo thời gian làm ngưng hoàn toàn dòng chảy.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu bạn hay ai đó bị đau ngực, nhất là kèm với một hay nhiều các triệu chứng kể trên, bạn không nên chờ lâu hơn 5 phút mà nên gọi Cấp cứu 115 hoặc đến khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.