Các dấu hiệu tim mạch cần được cấp cứu
Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Các trường hợp bệnh tim mạch khẩn cấp nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Nhận biết các dấu hiệu tim có vấn đề để kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế là yếu tố quan trọng góp phần tăng cơ hội sống và phục hồi của người bệnh.
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đau thắt ngực là biểu hiện thường gặp khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Biểu hiện của đau thắt ngực là những cơn đau dữ dội, bệnh nhân có cảm giác như tim bị bóp nghẹt, thắt chặt trong lồng ngực. Vị trí cơn đau thường là ở phía sau xương ức, vùng giữa ngực và tim. Cơn đau có thể xuất hiện một chỗ hoặc có thể lan rộng tới cổ, hàm, lan ra một hoặc hai bên cánh tay, hướng ra sau lưng… Cơn đau có thể kéo dài vài phút đến vài chục phút. Có thể kèm các dấu hiệu khác như: mệt lả, khó thở, vã mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, nôn…”.
Một dấu hiệu khác cho biết tim mạch cần được cấp cứu là dấu hiệu của tai biến mạch máu não, bao gồm: người bệnh có thể đột ngột bị tê hoặc yếu một bên mặt, tay hoặc chân, đột ngột choáng, mất khả năng ngôn ngữ, không hiểu người khác nói, đau đầu dữ dội, hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng do thiếu oxy lên não, khó thở, thở hổn hển, tim đập nhanh,…
Ngoài ra, người mắc bệnh tim mạch cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo của tắc động mạch nuôi chi cấp tính. Đây là là tình trạng tắc nghẽn đột ngột trong lòng các động mạch nuôi chi do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa, dẫn đến thiếu máu cung cấp cho các chi. Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng này bao gồm: chân hoặc tay bị đau đột ngột, dữ đội, bệnh nhân phải ngừng mọi sinh hoạt; chân hoặc tay bị lạnh, màu sắc tái nhợt hơn so với bên còn lại. Nếu tình trạng thiếu máu cung cấp cho các chi không được giải quyết kịp thời thì phần chi bị thiếu máu sẽ hoại tử trong vài giờ đến vài ngày.
Đặc biệt, người nhà cần lưu ý đối với các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện ngừng tuần hoàn, người bệnh ngất xỉu đột ngột, mất ý thức, ngừng thở, ngừng tim, tím tái toàn thân, đôi khi co giật hoặc mềm nhũn, có hiện tượng tiểu tiện không tự chủ…
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm khuyến cáo: “Đối với các trường hợp trên, cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Nếu bản thân phát hiện mình có các triệu chứng trên, cần nhanh chóng nhờ người giúp đỡ để được đưa tới bệnh viện, tuyệt đối không được tự lái xe một mình. Trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn, trong thời gian chờ người hỗ trợ và xe cấp cứu đến, cần thực hiện các động tác ép tim - thổi ngạt cho bệnh nhân. Nếu không có người trợ giúp có thể chỉ cần ép tim liên tục. Thao tác này giúp tạo ra áp lực lên các buồng tim, giúp máu lưu thông vào động mạch, dù tim vẫn chưa phục hồi nhưng việc bơm máu vẫn diễn ra sẽ giúp kéo dài thời gian để chờ bác sĩ, xe cấp cứu tới”.
Điều nguy hiểm là các bệnh lý về tim mạch thường phát triển âm thầm trong một thời gian dài mà không có các triệu chứng cụ thể, khi các triệu chứng đã xuất hiện rõ rệt thì bệnh nhân thường chuyển sang giai đoạn nặng, điều trị khó khăn và chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút.
Để hạn chế nguy cơ mắc tim mạch, cùng với việc thay đổi lối sống, chế độ ăn, tăng cường vận động, khám tim mạch thường xuyên là một yếu tố quan trọng để tầm soát các nguy cơ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cac-dau-hieu-tim-mach-can-duoc-cap-cuu-a32563.html