Các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?
Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên toàn thể tại hội trường của Quốc hội sáng nay, 7/6, chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua, trong số các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước, có bao nhiêu đề tài được ứng dụng, trong số đó, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực.
"Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng an ninh", ông Vân đặt tiếp câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đã kiến nghị và Quốc hội đã cân đối, bố trí kinh phí cho ngành và Bộ Khoa học Công nghệ với tỷ lệ 0,64% GDP.
Vẫn theo Bộ trưởng, hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là đi tìm cái mới nên có thể thành công, thất bại, thành công sớm hoặc muộn.
“Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là làm sao xác định được những kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ cho việc nâng cao năng lực đội ngũ các nhà nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, trường đại học”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đến nay, đã có 9 trường đại học của chúng ta xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học, đổi mới sáng tạo.
"Các đề tài nghiên cứu đều có rủi ro và có độ trễ, không phải đề tài lúc nào cũng có kết quả, có thể chuyển giao công nghệ, đưa vào ứng dụng ngay, bởi công tác chuyển giao, thương mại hóa, đưa vào ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của các nhà khoa học, đó là các đơn vị trung gian, kết nối giữa các trường, các viện”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói thêm.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có Nghị định 70 về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Tới đây, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh thích hợp về chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ từ nhà trường, viện nghiên cứu ra xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Về giải pháp để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng có nhiều giải pháp.
Trong đó, trước tiên, quan trọng là đầu tư kinh phí, nguồn lực, cơ chế, chính sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nhà khoa học có điều kiện và tâm thế sẵn sáng cống hiến cho khoa học.
“Tôi rất tin tưởng vào năng lực của các nhà khoa học hiện nay. Nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thì họ sẽ phát huy được năng lực, sáng tạo. Đây là điều rất quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết ông chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng về điểm “kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ.
Theo đại biểu, điểm kích nổ chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài.
Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam. Những ứng dụng trong quản lý và phát triển kinh tế, đặc biệt là trong phòng thủ quốc gia, bảo vệ an ninh, nếu không có công nghệ sẽ thua xa các nước. Cho nên, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 làm cho không chỉ thế giới xung quanh ta thay đổi mà bản thân chúng ta cũng phải thay đổi, thích ứng”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Vẫn theo đại biểu, ở Việt Nam hiện nay, thứ tự ưu tiên trong việc “kích nổ” là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, các vấn đề trong y tế, giáo dục…
Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, Bộ trưởng giải thích chưa thảo đáng.
Theo đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói các doanh nghiệp chưa mặn mà với đề tài khoa học nhưng trên thực tế, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã bằng cách của họ để thành lập các trung tâm, thậm chí có các giải thưởng về khoa học công nghệ, ký hợp đồng với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về khoa học ứng dụng.