Các địa phương cạn kiệt vaccine tiêm chủng mở rộng: Bộ trưởng Y tế nói gì?
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải đáp các thắc mắc của đại biểu trước Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, cạn kiệt vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra chiều 31/5, thuộc khuôn khổ Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải đáp 3 vấn đề được cử tri, đại biểu thắc mắc.
Vấn đề thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Lan cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Y tế tổ chức tiêm chủng mở rộng cho 10 loại bệnh cho trẻ em và phụ nữ cả nước.
Bộ cũng được Chính phủ cấp kinh phí để mua vaccine tập trung, thuốc điều trị bệnh lao, thuốc kháng HIV - ARV, vitamin A... và đặt hàng các loại vaccine được sản xuất trong nước để phục vụ tiêm chủng mở rộng.
Với vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế cũng đã thực hiện mua sắm thông qua tổ chức Unicef theo hình thức lựa chọn nhà thầu... Đến giai đoạn 2021 - 2022, Bộ Y tế được ngân sách Trung ương giao mua sắm vaccine mở rộng. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ưu tiên tập trung tiêm vaccine SARS-CoV-2.
Bước sang năm 2023, Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước trong đó bố trí kinh phí, nhiệm vụ chuyển việc đấu thầu tập trung vaccine chương trình mở rộng từ Bộ Y tế về cho các địa phương thực thực hiện nên xảy ra tình trạng thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
"Bộ Y tế đang rà soát lượng vaccvine sản xuất trong nước và phối hợp chuyển số lượng vaccine này sang dự trữ và sử dụng tới hết quý 3, 4 năm 2023", Bộ trưởng Lan cho biết thêm. Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đang tiếp tục triển khai trên cả nước, trong đó có thuốc lao, ARV, vitamin A liều cao.
Với vaccine nhập khẩu 5 trong 1, bà Lan nói do năm 2022 không có nhà thầu tham gia đăng ký mua nên đến nay xảy ra tình trạng thiếu thuốc trên thị trường. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết nội dung này để triển khai mua sắm đảm bảo quy định. Hiện Bộ có đầy đủ số liệu từ 63 tỉnh thành phố có nhu cầu mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng và thuốc điều trị.
Vấn đề thiếu thiết bị y tế, vật tư, Bộ trưởng Lan cho biết, để cùng tháo gỡ những vướng mắc này, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành đã tích cực ban ành những chính sách, ưu tiên. Cho đến nay, Bộ Y tế và các bệnh viện cơ bản tháo gỡ được hết các điểm nghẽn trong Y tế.
Bộ đã gia hạn được hơn 10.570 loại thuốc điều trị và 22.000 loại thuốc khác đảm bảo cung ứng cho người dân. Tuy vậy vẫn còn một số cơ sở né tránh việc mua sắm thuốc, vật tư, rất mong địa phương sẽ giám sát và chỉ đạo.
Vấn đề thiếu thuốc hiếm, Bộ Y tế ban hành nhiều thông tư xác định danh mục 214 loại thuốc hiếm và 299 thuốc không sẵn có cần ưu tiên mua sắm, dự trữ. Tuy nhiên thời gian qua việc mua sắm các nước trên thế giới gặp khó khăn, khiến y tế Việt Nam chịu ảnh hưởng. "Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đang xây dựng quy chế về mua sắm, dự trữ thuốc hiếm, đảm bảo cung ứng kịp thời cho ngành Y tế", bà Lan nêu giải pháp.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) kiến nghị Bộ Y tế cần làm rõ đến chừng nào đảm bảo đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia?
Bà mong Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt trong việc đấu thầu hoặc đàm phán giá, hay các giải pháp để có thể chủ động chứ không nên đùn đẩy trách nhiệm về địa phương chỉ vì lý do Bộ Tài chính chuyển nguồn… Theo đại biểu, trách nhiệm cũng như hậu quả của việc này sẽ hết sức nặng nề nếu như vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chậm trễ.
Địa phương cạn kiệt vaccine
Đầu tháng 5/2023, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB (5 trong 1) và DPT để tiêm miễn phí.
Mỗi tháng, TP.HCM cần 5.000 - 11.000 liều mỗi loại vaccine trên để tiêm miễn phí cho trẻ, dự kiến hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Cụ thể, từ cuối tháng 5 đến tháng 9, thành phố sẽ hết lần lượt các loại vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT), sởi và rubella (MR).
Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cũng thống kê đang thiếu các loại vaccine phục vụ tiêm chủng trong chương trình mở rộng cho trẻ.
Đây cũng tình trạng chung của hầu hết các tỉnh thành như: Tiền Giang, An Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Bình Dương...