Các địa phương chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, đến 7 giờ ngày hôm nay (31-7), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) ở khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 200 km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của ATNÐ kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực bắc và giữa Biển Ðông có mưa dông mạnh. Khu vực bắc Biển Ðông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2 đến 3,5 m; biển động mạnh.
Từ 7 giờ ngày 31-7 đến 19 giờ ngày 31-7, ATNÐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão, tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km. Ðến 7 giờ ngày 1-8 vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 109,3 độ kinh đông, ngay trên vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 200 km, cách Nam Ðịnh 330 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ 7 giờ ngày 1-8 đến 7 giờ ngày 2-8, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam Biển Ðông có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2 đến 3 m. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh ở vùng biển phía nam: Cấp 1.
Ngày 30-7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 07/CÐ-T.Ư gửi ban chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Ðịnh; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc ứng phó ATNÐ có thể mạnh lên thành bão và gây mưa lớn trên diện rộng. Theo đó, các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của ATNÐ, triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp hội tụ gió trên mực 1.500 m nên Bắc Bộ có mưa rào và dông, vùng núi có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh: Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có mưa to đến rất to và dông mạnh. Thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng sớm. Trên các sông suối ở vùng núi phía bắc có khả năng xuất hiện lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1 đến 3m. Lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tiếp tục có nguy cơ xảy ra.
Theo Tổng cục PCTT, hiện tình hình hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng như sau: Các hồ chứa hiện đang còn ở mức thấp so với quy định, riêng hồ Huội Quảng mực nước xấp xỉ mực nước dâng bình thường, hồ Tuyên Quang xấp xỉ mực nước cao nhất trước lũ, cần theo dõi chặt chẽ để vận hành đúng quy trình, bảo đảm an toàn công trình và hạ du.
Thông tin từ Chi cục Ðê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho biết, chân kè Cổ Ðô đê hữu Hồng, thuộc địa bàn xã Cổ Ðô (huyện Ba Vì) đang bị xói, lở nghiêm trọng. Vị trí sự cố xói, lở tại K7+110 (phía sau mỏ hàn số 9) và tại vị trí K7+370 (phía sau mỏ hàn số 10) đê hữu Hồng, thuộc địa bàn xã Cổ Ðô. Chi cục đề nghị UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các phòng, ban chức năng cắm biển báo sự cố; nếu có tình huống mất an toàn đê điều cần chủ động xử lý.
Mới đây, tại khu vực hạ lưu sông Thu Bồn (đoạn chảy qua thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện tình trạng sụt lún đất. Vết sụt lún dài khoảng 30 m, rộng 10 m và sâu khoảng 5 m. Vị trí sụt lún cách bờ kè An Lương khoảng 8 m. Cơ quan chức năng đã khảo sát và tìm biện pháp khắc phục vết sụt, xây dựng phương án bảo vệ kè An Lương.
Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Hậu Giang, trong hai tuần vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm sáu điểm sạt lở, nâng tổng số điểm sạt lở từ đầu năm đến nay lên 36 điểm. Tổng chiều dài các điểm sạt lở gần 900 m với diện tích mất đất bờ sông hơn 4.000 m2. Ước thiệt hại gần hai tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, chiều dài sạt lở đã tăng gần 500 m.
Tại tỉnh An Giang, do tác động của sóng tàu và nền đất yếu gây sạt lở đê bờ Bắc kênh Cái Sắn thuộc địa phận xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn với chiều dài 35m, ăn sâu vào mặt đường khoảng 3m và có dấu hiệu sạt lở kéo dài thêm.
Tỉnh An Giang đã tạm ứng hơn 25 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp khu vực có nguy cơ sạt lở trên tuyến quốc lộ 91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Huyện Châu Phú hiện đang di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở và bố trí chỗ ở tạm cho 13 hộ dân trong khu vực nguy hiểm. Tối 30-7, Chi cục Quản lý đường bộ IV.5 thông báo, tính từ 21 giờ ngày 30-7, sẽ thực hiện phân luồng toàn bộ các phương tiện xe ô-tô lưu thông tại đoạn sạt lở quốc lộ 91 từ Km85+00 đến Km90+100 qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang.
Chi cục Quản lý đường bộ IV.5 đề nghị người và phương tiện khi tham gia giao thông qua khu vực này tuyệt đối chấp hành theo hiệu lệnh của biển báo và sự hướng dẫn điều tiết phân làn của lực lượng chức năng.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện mực nước hồ Kẻ Gỗ (17,36 m) chỉ đạt 13,5% so với thiết kế; hồ sông Rác (13,47 m), thấp hơn thiết kế 7,3 m; hồ Ngàn Trươi (33 m), thấp hơn mực nước thiết kế 18,3 m. Các hồ đập nhỏ chỉ còn lại khoảng 20 đến 40% mực nước thiết kế. Toàn tỉnh có hơn 44.000 ha lúa đang có nguy cơ bị hạn.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, 123 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, lượng nước các hồ hiện chỉ đạt khoảng 17 đến 22% tổng dung tích. Trong đó, có tới 54 hồ chứa khô cạn làm gần 1.200 ha đất nông nghiệp không sản xuất được trong vụ mùa này.
Tại tỉnh Quảng Trị, vụ hè thu năm 2019, có khoảng 5.300 ha cây trồng bị thiếu nước, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh... Các hồ chứa trên địa bàn hiện chỉ còn nước ở mức gần 20% so dung tích thiết kế và đang tiếp tục giảm nhanh. Ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị được hỗ trợ 120 tỷ đồng chống hạn trong năm 2019.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Ðịnh cho biết, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi nhưng 138 hồ bị cạn nước. Trong đó, huyện An Lão ba trong số bốn hồ đã bị cạn, Hoài Nhơn 16 trong số 17 hồ bị cạn, Phù Mỹ 44 trong số 45 hồ bị cạn… Hiện, toàn tỉnh có 12.000 ha đất nông nghiệp bị hạn hán, trong đó gần 500 ha mất trắng và hơn 9.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Liên quan tới việc đơn vị thi công thủy điện Chư Pông Krông nắn dòng sông Krông Nô gây thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân tại xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Ðác Nông), UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5-8-2019.