Các địa phương đã năng động, sáng tạo đầu tư cho KH-CN
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh ghi nhận thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, năng động, có sự đầu tư lớn cho phát triển khoa học công nghệ, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngày 29-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) toàn quốc năm 2020. Đây là Hội nghị quan trọng góp phần kết nối trực tiếp sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Bộ với các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng KH-CN Phạm Công Tạc nhận định, nhìn lại những kết quả hoạt động KH-CN cả nước trong thời gian qua đã có nhiều kết quả ấn tượng. Lĩnh vực nào cũng có bóng dáng của KH-CN, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, KH-CN đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có thể nói, KH-CN đã trở thành "đòn bẩy" để phát triển kinh tế-xã hội sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2019, về nhân lực, tính đến ngày 30-12-2019, tổng số cán bộ, công chức viên chức thuộc 63 Sở KH-CN là 6.995 người, trong đó có 113 người có học vị tiến sĩ và sau tiến sĩ; 1.375 người có học vị thạc sĩ.
Năm 2019, kinh phí sự nghiệp KH-CN do Trung ương cân đối là 2.929 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt 3.729 tỷ đồng (đạt 127,3% so với kinh phí Trung ương cân đối). Kinh phí đầu tư phát triển được Trung ương cân đối thông qua ngân sách địa phương là: 1.440 tỷ đồng, theo báo cáo từ các Sở KH-CN, UBND tỉnh/thành phố phê duyệt được 1.587 tỷ đồng, đạt 110,2% so với Trung ương cân đối.
Qua số liệu tổng hợp và thực tế kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương có thể nhận thấy, trong điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng các địa phương luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động KH-CN, trong đó nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp KH-CN được nhiều địa phương bố trí cao hơn số Trung ương giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương phân bổ không đủ số kinh phí Trung ương thông báo.
Đối với nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, năm 2019, các địa phương đã huy động được 3.758,1 tỷ đồng chủ yếu là nguồn đối ứng của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, nhiệm vụ KH-CN cấp thiết địa phương, nhiệm vụ thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Dự án thuộc Chương tình 68…
Hiện đã có 35/63 địa phương thành lập Quỹ Phát triển KH-CN, trong đó có bốn địa phương huy động được thêm nguồn đóng góp từ doanh nghiệp. Tổng kinh phí của các Quỹ là 753,727 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Các Quỹ này hoạt động chủ yếu vẫn là hỗ trợ, tài trợ cho các nhiệm vụ KH-CN với số kinh phí còn thấp; hoạt động cho vay còn hạn chế, khả năng thu hồi vốn cho vay gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị, nhiều Giám đốc Sở KH-CN đã đánh giá cao những nỗ lực của Bộ KH-CN trong việc tạo hành lang pháp lý cho KH-CN phát triển. Các đại biểu cũng đã có những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động KH-CN tại địa phương như: kiến nghị Bộ ban hành hướng dẫn chung về quản lý chỉ dẫn địa lý; sớm xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, ban hành bộ tiêu chí đo lường quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Hội nghị cũng nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng kết quả và chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng; kiến nghị ban hành thông tư hoặc văn bản thi hành Đề án 844 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh ghi nhận thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, năng động, có sự đầu tư lớn cho phát triển khoa học công nghệ, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
Đánh giá rất cao những kết quả hoạt động KH-CN trong cả nước thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, với trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về hoạt động KH-CN, các lãnh đạo Sở KH-CN ở địa phương đã vượt qua khó khăn, thể hiện vai trò tham mưu của mình. Rất nhiều nghị quyết, chương trình của tỉnh đã có sự tham mưu của Sở KH-CN. Bên cạnh những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ nhưng hoạt động KH-CN đã nhận được sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH-CN phát triển.
Về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình Chính phủ xem xét sửa đổi các Luật có liên quan đến KH-CN do Bộ chủ trì, đặc biệt là dự án Luật Sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt các Hiệp đinh thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh đó, chú trọng việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các Luật khác có nội dung tác động đến hoạt động KH-CN để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống Luật. Chủ động trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến KH-CN đang còn bất cập.
Đồng thời, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các cơ quan trực thuộc Bộ KH-CN và các sở KH-CN, trong thời gian tới tiếp tục có kế hoạch, chiến lược nhằm tạo sự đột phá, "đi trước một bước" xây dựng kế hoạch đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng ở từng địa phương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ KH-CN tập trung thông tin, tuyên truyền, quán triệt thực hiện các nhiệm vụ đã được xây dựng, thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH-CN; rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo đảm đồng bộ với các quy đình pháp luật về KH-CN; tiếp tục nâng cao tiềm lực KH-CN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng; tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH-CN có trọng tâm, trọng điểm theo lĩnh vực ưu tiên…