Các địa phương hỗ trợ nhau trong bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án đầu tư công
Chiều 14/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công của 3 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương ĐBSCL thuộc Tổ công tác số 5.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, các bộ, cơ quan và địa phương thuộc Tổ công tác cần tập trung các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân trong thời gian tới nhằm đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công năm 2025 - Ảnh:VGP/Hải Minh
Tổ công tác số 5 do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng kiểm tra các bộ, cơ quan: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các địa phương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Năm 2025, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN được Thủ tướng Chính phủ giao của 3 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 là hơn 100.687 tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/4, có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 8/13 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; còn 5 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn với tổng tổng số vốn còn lại khoảng 1.028 tỷ đồng.
Về giải ngân, tính đến ngày 30/4, các bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác đạt 12,85%, thấp hơn mức trung bình của cả nước là 15,56%.
Các địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân cả nước gồm: Long An (21,27%), Tiền Giang (21,09%), Vĩnh Long (16,95%), Đồng Tháp (16,26%), Bạc Liêu (19,6%).
Nguyên nhân các địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao do một số dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; dự án chờ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn.
Một số dự án về xây dựng trụ sở làm việc phải tạm dừng thực hiện do sắp xếp bộ máy, địa phương; một số địa phương chưa bảo đảm được nguồn thu tiền sử dụng đất để bố trí cho các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu có nhiều thay đổi, cần thời gian để nghiên cứu, triển khai.
Công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ lưỡng, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải bổ sung, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn.
Báo cáo tại cuộc họp, các địa phương như Bến Tre, Cần Thơ phản ánh vẫn còn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung vật liệu (cát, đá) cho các dự án hạ tầng giao thông.
Cần Thơ, Long An và Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chuyển vốn của một số dự án từ năm 2024 sang năm 2025.
Tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn thống nhất chung để các địa phương có cơ sở phân cấp thực hiện các dự án giữa cấp tỉnh và cấp xã theo hệ thống chính quyền hai cấp, bảo đảm tính liên tục trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các bộ, cơ quan, địa phương phát biểu thẳng thắn, chỉ rõ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục để thúc đẩy tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng biểu dương 3 bộ, cơ quan và 8/13 địa phương đã hoàn tất việc phân bổ kế hoạch vốn được giao; hoan nghênh tỉnh Tiền Giang, Long Anh tiếp tục kiến nghị Trung ương bổ sung vốn đầu tư công, đề nghị hai địa phương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao kinh nghiệm của một số địa phương trong việc đưa các ban quản lý dự án cấp huyện về tỉnh, qua đó giúp đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai các dự án.
Với 5/13 địa phương chưa phân bổ hết vốn được giao, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương này quan tâm, khẩn trương có giải pháp phân bổ hết số vốn được giao.
Về giải ngân, Phó Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ của các bộ, cơ quan và địa phương thuộc Tổ công tác còn thấp hơn trung bình cả nước, nên cần tập trung các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân trong thời gian tới, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu… nhằm đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công năm 2025.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, nắm chắc tình hình, xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân chậm giải ngân ở từng dự án để trực tiếp chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, không đợi đến cuộc họp tiếp theo của Tổ công tác mới báo cáo chưa có tiến triển gì.
Hai là, tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Về nguồn cung vật liệu, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ động hướng dẫn cho các địa phương. Các địa phương lân cận, với tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc tìm kiếm, bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án, có thể điều chuyển nguồn vật liệu từ các dự án trục dọc còn dư sang các dự án trục ngang, từ địa phương còn dư nguồn vật liệu sang các địa phương đang thiếu hụt.
Ba là, kịp thời điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn.
Về đề xuất kéo dài nguồn nguồn vốn của năm 2024 sang năm 2025, Bộ Tài chính đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kết quả sẽ sớm được công bố. Tuy nhiên, các địa phương phải giải trình rõ nguyên nhân vì sao chưa giải ngân hết và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm giải ngân tốt đầu tư công phải đi liền với bảo đảm chất lượng các công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tránh làm sai quy trình thủ tục dẫn đến những hậu quả rất đau sót.
Trong quá trình hợp nhất bộ máy, sáp nhập các tỉnh, cần kịp thời xử lý cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách niệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân; làm tốt công tác chuyển tiếp các công trình, dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy của chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong quản lý và triển khai các dự án đầu tư công, không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc thực hiện các văn bản luật mới được ban hành. Các địa phương bám sát các bộ, ngành, trao đổi trực tiếp nếu có khó khăn, vướng mắc.
Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Phó Thủ tướng nêu rõ.