Các địa phương khu vực phía Bắc phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công
Các địa phương khu vực phía Bắc thống nhất mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công năm 2024 nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả công tác này.
Triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả
Theo báo cáo từ Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 170,8 tỷ đồng, thấp hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2023 (186,5 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm 2024, kinh phí toàn vùng ước thực hiện ước đạt 34,7 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch năm, cao hơn 10,25% so với cùng kỳ.
Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn luôn là nội dung trọng điểm, được các địa phương ưu tiên triển khai.
Theo kế hoạch năm 2024, các địa phương trong khu vực sẽ hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 324 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 35 cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổng kinh phí hỗ trợ là 98,1 tỷ đồng, chiếm 57,4% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, khuyến công địa phương hỗ trợ được 57 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 11 cơ sở được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Kinh phí thực hiện 14,1 tỷ đồng, đạt 26,3% kế hoạch năm.
Đến nay, các dạng đề án khuyến công quốc gia về xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn đang được Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra dự toán, nên chưa được phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các địa phương trong khu vực đã triển khai nhiều chương trình, đề án thuộc nội dung: Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn...
Đánh giá về hiệu quả triển khai công tác khuyến công năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, theo Cục Công Thương địa phương nhấn mạnh, chính sách khuyến công được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương đã tiếp sức, tạo điều kiện thuận lợi giúp lực lượng cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong khu vực.
Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở một số địa phương đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động khuyến công cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hóa bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao. Công tác tổ chức triển khai kế hoạch khuyến công đã có bước cải thiện đáng kể...
Bên cạnh đó, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch còn chậm so với quy định, một số địa phương không đăng ký đề án trong nhiều năm. Các địa phương có đề án nhưng nhìn chung còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương.
Tiến độ phân bổ ngân sách còn chậm phần nào làm ảnh hưởng tới tính kịp thời của chính sách hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn. Một số địa phương vẫn chưa quan tâm tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công tại địa phương...
Đảm bảo tiến độ kế hoạch công tác khuyến công
Bước sang năm 2024, tình hình thị trường có khởi sắc, gỡ khó một phần cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2024, tình hình thế giới, khu vực được nhận định tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nói riêng.
Theo đó, đại diện Cục Công Thương địa phương cho rằng, tổ chức hệ thống khuyến công khu vực phía Bắc cần bám sát định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quyết tâm phấn đấu, vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng chính sách, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trong đầu tư phát triển sản xuất.
Phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các đề án khuyến công đã được giao năm 2024; đảm bảo xây dựng, đăng ký các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia năm 2025 đúng thời hạn, có chất lượng; tập trung xây dựng các đề án nhóm, phấn đấu xây dựng được đề án điểm.
Ngoài ra, các địa phương trong khu vực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về số dự án và doanh thu tư vấn phát triển công nghiệp; 100% các địa phương nghiên cứu có ý kiến góp ý chất lượng đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách khuyến công.
Để hoàn thành những mục tiêu lớn trên, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương đề nghị địa phương, về chính sách, tập trung triển khai các văn bản, chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyến công; thực hiện nghiêm túc thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công.
Về năng lực tổ chức bộ máy, kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2024. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và nội dung hợp đồng đã ký.
Về kinh phí, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công quốc gia ngay sau khi được phân bổ kinh phí. Sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, đúng yêu cầu và đảm bảo các quy định hiện hành. Bám sát diễn biến tình hình của cơ sở công nghiệp nông thôn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo khi được phân bổ kinh phí triển khai đề án đúng tiến độ. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung về khuyến công giữa Bộ Công Thương với các địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg; trong đó tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; các nội dung giúp cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển thị trường trong nước, tiếp cận với chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn…