Các địa phương miền núi thiếu giáo viên dạy chương trình mới

Ngoài ra, do khoảng cách giữa các điểm trường cũng ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên giảng dạy.

Mới đây, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Thiếu giáo viên dạy Chương trình GDPT 2018

Tại buổi làm việc, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong hơn hai năm qua, về cơ bản các lớp đến nay đều hoạt động theo đúng lộ trình đã cơ bản đi vào nề nếp.

Giáo viên đã thực hiện tốt việc tự chủ chương trình, khai thác có hiệu quả sách giáo khoa, nguồn học liệu và các thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, hiện nay ngành GD&ĐT Bắc Kạn vẫn còn gặp một số khó khăn về đội ngũ như thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chủng loại theo từng môn học, cấp học. Đặc biệt là cấp tiểu học thiếu giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ, Tiếng Anh đối với lớp 3.

Việc giảng dạy đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật vẫn do giáo viên của từng phân môn cùng đảm nhiệm thực hiện. Việc bố trí giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học còn khó khăn do không có giáo viên đủ điều kiện về trình độ đào tạo - tốt nghiệp đại học - theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng khó khăn cho công tác bố trí giáo viên dạy học hai môn này.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.

Trước những hạn chế này, bà Nông Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Kạn cho biết kinh phí bố trí cho giáo dục, nếu tính trong tổng chi cân đối ngân sách vào khoảng 33%. Năm 2022, tỉnh đã bố trí 2 lần kinh phí cho trang thiết bị trường học. Dự kiến sẽ bố trí tiếp trong nguồn lực của tỉnh để đáp ứng cơ bản trang thiết bị cho đổi mới chương trình GDPT.

Tuy nhiên, việc mua sắm gặp khó khăn, đặc biệt trong thẩm định giá và chọn nhà thầu. Cuối năm 2022, Sở Tài chính đã tham mưu phân cấp mạnh hơn nữa trong công tác này. Tới đây, Sở sẽ hướng dẫn các địa phương trong thẩm định giá, mua sắm và địa phương tổ chức triển khai thực hiện cho năm 2023.

Cần đánh giá các tác động của chương trình mới

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định qua những ý kiến đã cho thấy nhiều việc, nhiều khía cạnh của bức tranh giáo dục tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo và những trao đổi tại buổi làm việc cho thấy những quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương. Những ý kiến trao đổi của đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn mang lại nhiều thông tin sát thực về quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý về việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý về việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại các địa phương.

Từ thực tế triển khai thời gian qua, Bộ trưởng “đặt hàng” Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn có một báo cáo giám sát không chỉ dừng lại ở mục đích gửi về Văn phòng Quốc hội mà còn là góc nhìn về giáo dục của một tỉnh khó khăn hàng đầu cả nước. Theo Bộ trưởng, trong làm chính sách sẽ chú ý tới nhóm ở giữa, nhóm này chiếm số đông, nhưng vẫn mở đường cho nhóm có điều kiện phát triển hết cỡ và hỗ được nhóm khó khăn.

“Mong rằng báo cáo của tỉnh Bắc Kạn sẽ đóng góp cho cái chung, không chỉ cho một tỉnh mà còn là của một nhóm. Qua đó thấy được những điểm cần tăng cường hỗ trợ, những điều chỉnh chính sách vĩ mô”, Bộ trưởng bày tỏ.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành giáo dục cũng đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá cụ thể về những việc làm được, những việc còn vướng mắc, bổ sung một phần đánh giá chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, sự thấu hiểu về chương trình phổ thông.

Đặc biệt tăng cường đánh giá về chuyên môn của chương trình, việc đổi mới phương pháp dạy và học, tiếp nhận của học sinh… Bộ trưởng cho rằng, báo cáo cần dự báo, nhìn nhận khách quan được tác động vĩ mô của chương trình vào giáo dục của địa phương

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cac-dia-phuong-mien-nui-thieu-giao-vien-day-chuong-trinh-moi-a594046.html