Các địa phương nghiêm túc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 (tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg), các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt tại đơn vị mình để mang lại hiệu quả thực chất nhất.

Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí

Với mục tiêu đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngoài việc rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, công tác THTK, CLP năm 2023 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương chú trọng việc tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai; đổi mới và nâng cao hiêu quả doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ này.

Là tỉnh ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2023 gần như sớm nhất cả nước, Gia Lai đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát các nhóm giải pháp nêu tại Chương trình về THTK, CLP của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh chú trọng vào các nhóm giải pháp như: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về THTK, CLP; tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực. Đặc biệt, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu trong chương trình THTK, CLP của cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của cấp mình, ngành mình; xác định rõ nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm thuộc địa bàn, lĩnh vực phụ trách cũng như những giải pháp, biện pháp cần thực hiện trong năm 2023 để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra.

Sắp xếp nhà đất công hợp lý sẽ góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.

Sắp xếp nhà đất công hợp lý sẽ góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm 2022, tổng doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt hơn 460.000 tỷ đồng. Theo đại diện của EVN, mặc dù sản lượng và doanh thu đều tăng trưởng khá tốt, các nguồn thủy điện giá rẻ được huy động phát rất cao, cùng với việc EVN và các đơn vị đã triệt để tiết kiệm chi phí nhưng EVN ước lỗ hơn 31.000 tỷ đồng, do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá than nhập khẩu tăng cao đột biến khiến chi phí mua điện tăng rất cao.

Xác định năm 2023 là năm quan trọng có tính bản lề để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025, EVN đã lấy chủ đề năm 2023 là THTK, CLP với 5 lĩnh vực trọng tâm cần đẩy mạnh là: sản xuất kinh doanh; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng tài sản; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Làm rõ vai trò người đứng đầu trong thực hiện

Tại Quyết định số 1658, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP năm 2023.

Đã phê duyệt phương án xử lý hơn 30 nghìn cơ sở nhà, đất thuộc khối cơ quan trung ương

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm. Theo đó, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 154 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế đến nay, đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.632 cơ sở nhà, đất thuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Thực hiện quy định này, tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn theo hướng giảm đầu mối, không thành lập tổ chức mới. Trường hợp đặc biệt sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các sở, ngành thực hiện công khai tài sản, thu nhập đối với các đối tượng phải kê khai tài sản theo định kỳ hàng năm; kiểm tra, thanh tra việc THTK, CLP.

Cũng như Hòa Bình, tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ công chức, viên chức góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, ngoài việc yêu cầu nêu cao vai trò của người đứng đầu đơn vị trong THTK, CLP, tỉnh Lai Châu còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tuyên truyền sâu rộng đến từng công chức, viên chức, người lao động về THTK, CLP; xác định kết quả THTK, CLP là tiêu chí để đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến việc phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

"Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất…” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

An Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-dia-phuong-nghiem-tuc-trien-khai-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-122893.html