Các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó bão số 10
Ngư dân ở xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) đang buộc, neo thúng chai đề phòng ảnh hưởng của bão số 10. Ảnh: ANH NGỌC
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 1 giờ ngày 5/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Trước diễn biễn biến của bão, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai phương án để ứng phó cơn bão số 10…
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tính đến 18 giờ ngày 4/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã di dời xong 4.050 người trên các bè và các khu nuôi trồng thủy sản. Trên đất liền, các địa phương đã tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn... thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại khi mưa bão xảy ra.
Tính đến 18 giờ ngày 4/11 đã di dời sơ tán 1.012 hộ dân với 2.989 nhân khẩu tại các khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ, đến nơi tránh trú an toàn; đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa bão và tiếp tục sơ tán dân tại các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện còn 85 tàu cá/559 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ là 84 tàu cá/545 lao động (vùng biển quần đảo Trường Sa và nằm ngoài vùng nguy hiểm của bão số 10), 1 tàu cá/14 lao động đang hoạt động gần bờ (vùng biển Kiên Giang). Tất cả các tàu cá hoạt động trên biển đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 10 trên biển Đông, đã chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc về gia đình, bộ đội biên phòng.
Thông tin từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, lúc 5 giờ ngày 5/10, hồ thủy điện Sông Ba Hạ vận hành máy và xả lũ với lưu lương 800m3/s, hồ thủy điện Sông Hinh chạy máy 20m3/s, hồ thủy điện Krông H’Năng chạy máy và xả lũ 73 m3/s, hồ thủy điện La Hiêng 2 chạy máy 21,4 m3/s.
Mực nước các hồ thủy lợi gồm hồ Đồng Tròn là 29,52m/35,5m, hồ Phú Xuân là 30,68m/36,5m, hồ Suối Vực là 81,20m/88,1m. Các hồ chứa thủy lợi còn lại đang tích nước phổ biến ở mức từ 30-55% so với dung tích thiết kế.
Đối với nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh còn 77.258 ô lồng/2.157 bè đang nuôi thủy sản, người nuôi đã triển khai các biện pháp gia cố, chằng néo và thả sâu sát đáy nhằm đảm bảo an toàn để tránh gió bão và lũ lụt.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 1 giờ ngày 5/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 10 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực tỉnh Phú Yên xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa cả đợt đạt từ 100-200mm. Để tập trung triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 10, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục rà soát và triển khai các phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân và khách du lịch ven biển, không được để người dân ở lại trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.
Các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và an toàn cho vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.