Các địa phương tăng cường bình ổn giá thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá sản phẩm tiêu dùng thiết yếu… đang được các địa phương và doanh nghiệp triển khai để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.
Hà Nội chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá
Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã chủ động lên phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá dịp này; đồng thời, sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu hàng hóa, các giải pháp điều tiết nguồn hàng sẽ được triển khai kịp thời để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, tăng giá sản phẩm...
Theo đó, các nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu bao gồm: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đang tích cực dự trữ lượng hàng hóa, gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 tấn thủy sản, 238.500 tấn trái cây và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, để đưa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn trong dịp Tết, hoạt động phân phối hàng hóa được tổ chức đồng bộ với nhiều hình thức. Cụ thể, qua các kênh bán hàng truyền thống (hệ thống 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn); tổ chức trên các kênh bán hàng đa phương tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
TP. Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường Tết 2025 tại khu dân cư
Chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường Tết năm 2025 bắt đầu từ ngày 10/12/2024 và kéo dài đến hết ngày 5/1/2025 được tổ chức luân phiên tại 7 địa điểm thuộc các quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm quận 3, 4, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình. Tại mỗi địa phương, chương trình diễn ra trong 3 ngày, với hàng loạt hoạt động giảm giá lên đến 60%, mua 1 tặng 1, mua là có quà... Bên cạnh những mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường có nhiều hàng hóa thương hiệu, hàng cao cấp cũng được nhiều doanh nghiệp bình ổn thị trường hưởng ứng với khuyến mãi tốt. Qua đó, giúp người tiêu dùng, đặc biệt người lao động thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho biết, bên cạnh cơ hội mua sắm trực tiếp sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín, chương trình Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường Tết 2025 còn dành sự sẻ chia thiết thực với gánh nặng tài chính của người dân thành phố trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, hướng đến một mùa xuân đầm ấm. Cụ thể, khi người tiêu dùng tham gia mua hàng thanh toán không dùng tiền mặt từ Ví điện tử VNPAY sẽ có cơ hội nhận hàng ngàn mã mua hàng giảm giá 20.000 đồng, 50.000 đồng và trừ trực tiếp trên đơn hàng, cùng cơ hội nhận hàng trăm E-voucher quà tặng.
Đà Nẵng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Việc cung ứng hàng hóa ra thị trường tập trung vào các kênh phân phối: Doanh nghiệp đầu mối cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm, hàng Tết; trung tâm thương mại, siêu thị; Thương nhân kinh doanh tại các chợ; Các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, tuyến phố chuyên doanh… Sở cũng tiếp tục thực hiện 14 điểm bán thịt gia súc, gia cầm bình ổn giá tại các chợ gần khu dân cư; tổ chức 4 đợt bán hàng bình ổn, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn các xã nông thôn, miền núi thuộc huyện Hòa Vang và các khu, cụm công nghiệp.
Năm nay, các siêu thị dự kiến tăng nguồn hàng như: Coopmart Đà Nẵng tăng 22%, MM Mega tăng 2,24%, Go! tăng gần 9,47%, chuỗi cửa hàng Winmart tăng 9,99%... Theo đó, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng phục vụ Tết của thành phố dự kiến khoảng 2.812 tỷ đồng.
Các siêu thị, doanh nghiệp, đơn vị phân phối trên địa bàn đã đăng ký tổ chức các điểm/gian hàng bình ổn tại địa điểm kinh doanh của đơn vị với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…; đồng thời, tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Sở Công thương thành phố tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khuyến mại, kích cầu tiêu dùng qua các ngày hội quảng bá sản phẩm Đà Nẵng, Hội chợ Xuân 2025…