Các địa phương tập trung khắc phục thiệt hại sau Cơn bão số 3

Sáng nay 8/9, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của Cơn bão số 3.

* Tại thị xã Phú Thọ

Sáng 8/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Phú Thọ đã họp triển khai nhanh các phương án khắc phục hậu quả sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn thị xã Phú Thọ.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Phú Thọ, ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ ngày 7-8/9, gây thiệt hại với tổng ước tính ban đầu khoảng 400 triệu đồng. Một số tài sản trên địa bàn thị xã bị thiệt hại như: Tốc mái nhà trụ sở làm việc của UBND xã Hà Thạch, biển bảng của Trường THCS Hà Thạch và Mầm non Thanh Vinh; làm gẫy đổ diện tích lúa, ngô và hoa màu tại phường Thanh Vinh và xã Thanh Minh, ngập úng cục bộ 6ha lúa xứ đồng Nhà Tý của phường Hùng Vương. Mưa bão làm gẫy đổ trên 60 cây xanh đô thị, 35m tường rào của Trường THPT Hùng Vương và hộ dân trên địa bàn phường Hùng Vương.

Để đảm bảo ATGT, ngay trong đêm 7/9, thị xã đã huy động lực lượng “4 tại chỗ” khắc phục những cây xanh bị gẫy, đổ đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho lưu thông của người dân. Lãnh đạo UBND thị xã yêu cầu các đơn vị nhanh chóng rà soát các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do cơn bão gây ra; đặc biệt là đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cây xanh đô thị để chủ động huy động lực lượng về người và phương tiện cùng phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục sự cố, đồng thời huy động hệ thống xe cẩu, máy múc cùng lực lượng tại chỗ của các xã, phường xử lý các cây xanh đô thị bị gãy, đổ trên địa bàn tránh gây nguy hiểm về ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Tiếp tục tiến hành bơm tiêu thoát nước trong các ngày tới để đề phòng mưa lớn tiếp tục xảy ra do hoàn lưu cơn bão số 3, nhanh chóng hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Đình Phong- Anh Tú

* Tại huyện Thanh Ba

Sáng 8/9, đồng chí Nguyễn Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Ba, tính đến 10h ngày 8/9, trên địa bàn huyện không thiệt hại về người. Tuy nhiên mưa bão đã làm tốc mái tôn nhà lớp học Trường Tiểu học Hanh Cù 2 và 31 hộ dân, đổ 6 cột điện dân sinh.

Về sản xuất nông nghiệp, có khoảng 380ha lúa bị ảnh hưởng; 25ha cây lâm nghiệp, 16ha chuối, 23 sắn, 13ha ngô bị đổ... Ước tổng thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra thực tế, lãnh đạo huyện Thanh Ba yêu cầu các xã, trị trấn tiến hành đánh giá, thống kê cụ thể, sát thực những thiệt hại do bão gây ra đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đối với diện tích lúa bị đổ ngả, cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân buộc dựng lại. Các ngành chức năng, các xã, thị trấn nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện, nhân lực tại chỗ khắc phục sự cố, khẩn trương dọn dẹp, đường thông hè thoáng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh... bảo đảm ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân và các trường học trở lại hoạt động bình thường vào ngày 9/9.

Hải Minh

* Tại huyện Lâm Thao

Sáng 8/9, lãnh đạo UBND huyện Lâm Thao đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại nhiều địa phương, đánh giá tình hình thiệt hại để có phương án xử lý.

Theo báo cáo sơ bộ, cơn bão số 3 đã vào địa bàn huyện Lâm Thao với mưa to, gió lớn, kèm theo giông lốc, gây ra một số thiệt hại về tài sản: Trụ sở UBND xã Cao Xá và Trường Tiểu học Phùng Nguyên 2, Trường THCS Phùng Nguyên 2 bị tốc một số diện tích mái tôn, trần chống nóng. Bão gây đổ lúa mùa trên địa bàn các xã, thị trấn với diện tích khoảng 300ha; gây ngập úng cục bộ lúa, rau màu, gãy đổ chuối, ngô và một số cây xanh trồng bóng mát, cây ăn quả của nhà dân. Cây đổ làm đổ làm gãy nhiều cột điện tại các xã Bản Nguyên, Tiên Kiên gây mất điện cục bộ tại một số khu dân cư...

Tại các khu vực đến kiểm tra, lãnh đạo UBND huyện Lâm Thao yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai; các phòng chuyên môn và lãnh đạo các xã rà soát, huy động các tổ chức đoàn thể giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng do cơn bão số 3; chỉ đạo các nhà trường huy động giáo viên, phụ huynh, học sinh và các lực lượng khẩn trương vệ sinh, quét dọn, khắc phục hậu quả để không làm gián đoạn hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục khi bão tan. Tích cực chỉ đạo các khu dân cư, bà con Nhân dân bám nắm đồng ruộng, chủ động các phương án khơi thông dòng chảy để tiêu úng cho các diện tích lúa, hoa màu... hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện sớm tổng hợp tình hình thiệt hại báo cáo và đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh có phương án hỗ trợ kịp thời.

Đức Thuận

* Tại huyện Phù Ninh

Sáng 8/9, lãnh đạo UBND huyện Phù Ninh đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 tại trên địa bàn huyện.

Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra tại Trạm bơm Bình Bộ (xã Bình Phú)

Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra tại Trạm bơm Bình Bộ (xã Bình Phú)

Theo ước tính ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cơn bão số 3 đã làm sói lở 75m chiều dài tuyến đường nối liên tỉnh; sạt trượt 30m chiều dài tại công trình thủy lợi Ngòi Dầu (xã Lệ Mỹ); đổ, gãy 5 cột điện, hư hỏng 4 đường điện tại các công trình điện năng và gây hư hại một số công trình khác.

Về sản xuất nông nghiệp, mưa lớn kéo dài kèm theo gió giật mạnh tại cơn bão số 3 đã làm ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 63,6ha tổng diện tích lúa, ngô, hoa màu và cây công nghiệp khác tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tổng thiệt hại ước tính trên 300 triệu đồng.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại Trạm bơm Bình Bộ, trạm bơm Gai Hạ (xã Bình Phú), ngòi Dầu (xã Lệ Mỹ), lãnh đạo UBND huyện Phù Ninh yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục tập trung nhân lực, vật lực, thiết bị tại chỗ để khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết sau bão số 3, đặc biệt là tránh các ảnh hưởng do mưa to, dông, sét, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra; lưu ý kịp thời có biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Anh Chiến – Hà Linh

* Tại huyện Cẩm Khê

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã xảy ra mưa vừa và, mưa to, kèm theo gió lớn gây thiệt hại diện tích lúa, cây hoa màu, chuối... đang thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch của bà con nhân dân.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện có 6 nhà dân bị tốc mái, gần 200ha lúa, cây hoa màu bị ảnh hưởng đang chuẩn bị thu hoạch bị gãy đổ. Mực nước sông Bứa lên nhanh, đoạn qua xã Đồng Lương đã ảnh hưởng diện tích hoa màu của bà con; ở xã Sơn Tình và Hương Lung nước lũ về nhanh khiến nhà một số hộ dân bị ngập, lực lượng Công an, Quân sự đã kịp thời sơ tán các hộ dân.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo huyện Cẩm Khê cùng với chính quyền các xã, thị trấn bị ảnh hưởng xuống hiện trường kiểm tra, thống kê thiệt hại do ảnh hưởng sau Cơn bão số 3. Trong đó, yêu cầu các xã, thị trấn chủ động phân công cán bộ trực, đặt biển cảnh báo để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho Nhà nước và Nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn cho Nhân dân, tránh xảy ra thiệt hại nặng về tài sản cũng như nguy hiểm đến tính mạng con người. Yêu cầu các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, vật lực; có lực lượng thường trực đảm bảo ứng cứu khi xảy ra sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.

Mạnh Thuần

* Tại huyện Thanh Sơn

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tối 7/9, trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã xảy ra mưa lớn, gió giật mạnh, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng và sản xuất nông nghiệp, ước thiệt hại (tính đến 11h ngày 8/9) là trên 1,5 tỷ đồng.

Sáng 8/9, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Thanh Sơn đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại nhiều khu vực, đánh giá tình hình thiệt hại để có phương án xử lý.

Theo báo cáo sơ bộ, huyện Thanh Sơn có 154 hộ gia đình bị ảnh hưởng sau bão, trong đó có 61 hộ bị ngập nước thực hiện di dời (Yên Lương 30 hộ, Văn Miếu 25 hộ, Thị trấn Thanh Sơn 05 hộ, Sơn Hùng 01 hộ); 81 hộ thuộc diện di dời để đảm bảo an toàn do mực nước dâng; 8 hộ bị tốc mái; 3 hộ bị ảnh hưởng sạt lở đất đá, cây đổ; một số cơ quan đơn vị đã bị ảnh hưởng.

Để chủ động khắc phục hậu quả do mưa dông gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai các xã, thị trấn trực tiếp kiểm tra, động viên các hộ bị ảnh hưởng thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, thường trực 24/24 giờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống của người dân.

Thành Công

* Tại huyện Yên Lập

Sáng 8/9, lãnh đạo UBND huyện Yên Lập đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại 1 số xã trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Lập, đến 11h ngày 8/9, bão số 3 đã làm tốc mái 122 nhà ở (không thiệt hại về người); đất đá sạt lở tại các xã Trung Sơn 9, Xuân An, Xuân Viên, thị trấn Yên Lập; có 9 trường học, nhà văn hóa, nhà làm việc bị hư hỏng; thiệt hại nhiều diện tích nông nghiệp đang cho thu hoạch; các ngầm, tràn và một số tuyến đường giao thông trên địa bàn các xã, thị trấn bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Tổng giá trị ước thiệt hại 8,5 tỷ đồng.

Bích Thọ - Xuân Đôn

* Tại huyện Tân Sơn

Ngày 8/9, lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại một số xã trên địa bàn huyện.

Từ ngày 7 đến ngày 8/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Tân Sơn có 5 nhà dân tại các xã Mỹ Thuận, Văn Luông bị sập, tốc mái, ngập nước hư hỏng các vật dụng trong nhà. Về sản xuất nông nghiệp, có trên 165 ha lúa, khoảng 83ha ngô bị ngập; hàng trăm cây xanh bị đổ gãy. Nhà tập thể giáo viên trường THCS Minh Đài bị tốc mái pro xi măng; gãy một cột điện tại Khu Tân Minh - xã Kim Thượng. Sạt lở đất đá tại một số tuyến đường liên xã... Mưa lũ khiến nhiều ngầm, tràn trên địa bàn huyện bị ngập sâu, không qua lại được.

Kiểm tra thực tế tại một số xã, lãnh đạo UBND huyện yêu cầu: Các xã tiếp tục rà soát các hộ ven sông, suối, điểm sạt lở và các tình huống có nguy cơ mất an toàn khác... để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn; đối với các hộ đã di dời tiếp tục ở lại nơi tránh trú cho đến khi hết đợt mưa bão; nắm bắt các hộ có điều kiện khó khăn để có phương án hỗ trợ kịp thời. Hiện nước lũ một số nơi đã rút, yêu cầu các xã huy động lực lượng sung kích phát quang cây cối, khơi thông cống, rãnh để thoát nước nhanh; tuyên truyền bà con khôi phục diện tích lúa, ngô bị ngập.

Về một số điểm sạt lở, cây cối bị đổ gãy và một số công trình bị hư hỏng khác, các xã chủ động huy động lực lượng khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt. Yêu cầu các xã theo dõi diễn biến thời tiết, duy trì nghiêm chế độ trực, chế độ thông tin báo cáo.

Công Sơn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/cac-dia-phuong-tap-trung-khac-phuc-thiet-hai-sau-con-bao-so-3-218498.htm