Các điểm nghẽn được tháo gỡ, TP.HCM quyết làm 355 km đường sắt đô thị
Nghị quyết 188 của Quốc hội đã giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, thủ tục, rút ngắn thời gian làm các tuyến đường sắt đô thị. Đây là cơ sở để TP.HCM làm 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 188, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại TP Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã có kế hoạch triển khai thực hiện với sáu nhiệm vụ, 60 đầu việc để giao cho từng đơn vị. TP.HCM đặc biệt tập trung thời gian, trí tuệ nguồn lực để làm hệ thống ĐSĐT, đặt mục tiêu hoàn thiện “cục diện” mạng lưới giao thông, đô thị trong 10 năm tới, cùng đất nước bước vào giai đoạn vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với ông Hồ Ngọc Nghĩa, Phó Trưởng phòng (phụ trách) - phòng Quản lý ĐSĐT Sở Giao thông công chánh (GTCC) TP.HCM, về kế hoạch làm 355 km ĐSĐT trong 10 năm tới.

UBND TP.HCM đã có kế hoạch triển khai thực hiện với sáu nhiệm vụ, 60 đầu việc để giao cho từng đơn vị. Ảnh: THUẬN VĂN
Giải quyết điểm nghẽn về thể chế
. Phóng viên: Thưa ông, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 188 cho phép TP Hà Nội và TP.HCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT có ý nghĩa như thế nào đối với TP.HCM trong việc hoàn thành mục tiêu 355 km ĐSĐT trong 10 năm tới?

Ông Hồ Ngọc Nghĩa.
+ Ông Hồ Ngọc Nghĩa: Nghị quyết 188 đã được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ “điểm nghẽn thể chế”, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện dự án ở tất cả khâu từ chủ trương đầu tư, quy hoạch, giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư xây dựng ĐSĐT, phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Có thể nói Nghị quyết 188 có ý nghĩa rất lớn đối với TP.HCM trong bối cảnh hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất: Nghị quyết 188 giúp TP.HCM hiện thực hóa Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới).
Thứ hai: Đây là công cụ hữu hiệu cho phép TP.HCM hoàn toàn chủ động trong khâu hoạch định quy hoạch, huy động nguồn vốn, GPMB, quyết định đầu tư, phát triển đô thị theo mô hình TOD; chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghiệp đường sắt.
Thứ ba: Tái thiết đô thị theo hướng hiện đại, sớm ngang tầm với các siêu đô thị trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư: Đáp ứng nhu cầu vận tải, giải quyết ùn tắc giao thông, tạo động lực tăng trưởng, tái cơ cấu không gian đô thị, phân bổ lại dân cư; lấy giao thông công cộng, sức chở lớn là xương sống của hệ thống vận tải công cộng đô thị, từng bước thay đổi văn hóa, văn minh đô thị.
Với các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, đột phá về thể chế cùng với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP, sự quan tâm, ưu tiên, chủ động giải quyết công việc của sở, ngành và chủ đầu tư, TP.HCM sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu hiện thực hóa mạng lưới ĐSĐT với 355 km trong 10 năm tới.

Có Nghị quyết 188, TP.HCM quyết làm 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới. Ảnh: ĐÀO TRANG
Một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt
. Thưa ông, có thể thấy Nghị quyết 188 mở ra nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM, vậy đâu là những cơ chế đặc biệt để tháo gỡ ngay các nút thắt trong việc xây dựng, phát triển ĐSĐT tại Việt Nam?
+ Đúng vậy, Nghị quyết 188 ra đời trong bối cảnh rất đặc biệt khi cả hệ thống chính trị đang tập trung cao độ cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Nghị quyết 188 là kết tinh từ việc đúc rút các bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án ĐSĐT trên thế giới và Việt Nam; tại TP Hà Nội và TP.HCM để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án đường sắt trong thời gian tới.

Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đã được triển khai, sẵn sàng khởi công tuyến metro số 2. Ảnh: ĐÀO TRANG
Một số cơ chế đặc biệt, đặc thù có thể kể đến như sau: Về chủ trương đầu tư dự án, cho phép “dự án được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư”. Từ đó có thể rút ngắn trung bình khoảng 3-5 năm thậm chí hơn năm năm chỉ riêng ở khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án so với trước đây.
Về huy động vốn, các dự án ĐSĐT được ưu tiên huy động mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước; ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP tối đa 209.500 tỉ đồng; ngân sách địa phương huy động từ nguồn vốn ngân sách TP, nguồn thu từ khai thác quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, huy động từ nguồn lực ngoài xã hội (hình thức BT)... Với 355 km ĐSĐT, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40 tỉ USD, mỗi năm TP sẽ phải giải ngân hơn 100.000 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ USD), đây là con số khổng lồ đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị TP, chủ đầu tư và các nhà thầu.

Tuyến metro số 1 được gắn biển công trình tiêu biểu cấp TP chào mừng kỷ niệm 50năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Ảnh: ĐÀO TRANG
Metro số 1 là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ngày 9-3 vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Ngay sau đó, UBND TP cũng đã có quyết định công nhận metro số 1 trở thành 1 trong 50 công trình tiêu biểu cấp TP.
Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 14 ga, kết nối từ trung tâm TP.HCM đến TP Thủ Đức là tuyến có đoạn đi ngầm đầu tiên của cả nước, áp dụng nhiều biện pháp thi công hiện đại, tiên tiến. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, là dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Về quy hoạch, TP được lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến công trình, vị trí công trình, quy hoạch khu vực TOD và được phê duyệt khác với quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Phương án tuyến công trình ĐSĐT đóng vai trò dẫn dắt các quy hoạch khác có liên quan.
Về thủ tục đầu tư, TP được chủ động quyết định số bước thiết kế; quyết định việc có hay không việc thi tuyển kiến trúc đối với các nhà ga, cầu, công trình liên quan dự án ĐSĐT; được tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cơ sở phương án tuyến công trình, vị trí công trình được chấp thuận hoặc quy hoạch khu vực TOD được phê duyệt…
Về lựa chọn nhà thầu, TP.HCM được quyền áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với nhà đầu tư, nhà thầu EPC, nhà thầu thi công, các nhà thầu tư vấn…
Các thủ tục về thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường, trước đây thuộc thẩm quyền của bộ, ngành Trung ương nhưng Nghị quyết 188 đã phân cấp TP.HCM chủ động các khâu này.
Về nguồn nhân lực, được áp dụng cơ chế huy động chuyên gia, tổ chức quốc tế tham gia đầu tư, xây dựng các tuyến ĐSĐT.

Rất đông người dân lựa chọn metro số 1 làm phương tiện đi làm, đi chơi. Ảnh: NHƯ NGỌC
Bên cạnh đó, TP đang xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho ĐSĐT để có kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo dài hạn và ngắn hạn trong nước và ngoài nước; không những cho cán bộ, công chức, viên chức mà cho cả đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, vận hành, khai thác; rà soát, xây dựng mô hình quản lý dự án phù hợp với tình hình mới, đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai; giao Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải (Samco) nghiên cứu xây dựng phương án phát triển công nghiệp đường sắt.
Trước mắt, TP tập trung rà soát quy hoạch hướng tuyến ĐSĐT, quy hoạch khu vực TOD; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, phấn đấu khởi công tuyến metro số 2 trong năm 2025.
. Xin cảm ơn ông.
TP.HCM tập trung thời gian, trí tuệ nguồn lực làm đường sắt đô thị
Triển khai Nghị quyết 188 của Quốc hội, với tinh thần khẩn trương, Sở GTCC đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định 1511 về kế hoạch triển khai Nghị quyết 188/2025/QH15 của Quốc hội.
Theo kế hoạch, TP.HCM xác định bảy nhóm công việc trọng tâm, bao gồm: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và văn bản đặc biệt; huy động vốn và bố trí vốn đầu tư; trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; vật liệu và bãi đổ thải và nhóm công việc khác. Tổng cộng hơn 60 nhiệm vụ cụ thể gắn với mốc thời gian rõ ràng, cùng trách nhiệm của từng sở, ban ngành, đơn vị liên quan…
Với tuyến metro số 2, từ nay đến tháng 4-2025, các sở, ban ngành sẽ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn từ sử dụng ODA sang đầu tư công. Sau đó, TP sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công dự án vào tháng 12-2025. Đây sẽ là dự án đầu tiên trong hệ thống mạng lưới ĐSĐT TP triển khai Nghị quyết 188.
Đối với sáu tuyến còn lại, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án vào năm 2027. Công tác GPMB các dự án này sẽ thực hiện từ giai đoạn 2025-2027; hoàn thành 355 km vào năm 2035.
Về yêu cầu triển khai, UBND TP yêu cầu các chủ thể tham gia dự án cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung thời gian, trí tuệ và nguồn lực. Mỗi đơn vị cần chủ động, tích cực phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao, vì nhiệm vụ chung, đóng góp vào sự phát triển của TP. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, đơn vị trực thuộc UBND TP và các địa phương nơi có dự án metro đi qua chịu trách nhiệm tổ chức sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện kế hoạch.
Ông HỒ NGỌC NGHĨA, Phó Trưởng phòng (phụ trách) - phòng Quản lý ĐSĐT Sở GTCC TP.HCM