Các điểm nghẽn và cuộc khẩu chiến trước thềm đàm phán Anh-EU hậu Brexit

Các cuộc đàm phán hậu Brexit sẽ bắt đầu vào tháng 3 giữa London và Brussels để sắp xếp lại mối quan hệ tương lai giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu. Đây là một nhiệm vụ khó khăn bao gồm hàng chục lĩnh vực chính sách - từ thương mại hàng hóa và dịch vụ, đến đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, môi trường, việc làm, chia sẻ dữ liệu, hợp tác an ninh, vận tải và nhiều hơn thế nữa.

Hạn chót là cuối năm và hết thời hạn chuyển đổi bắt đầu khi Vương quốc Anh chính thức rời EU vào ngày 31/01. Cả hai bên đã phác thảo các quan điểm tương phản mạnh trước các cuộc đàm phán chính thức.

Anh thực sự muốn gì từ EU? Quan điểm đàm phán chi tiết của chính phủ Anh, được công bố đầy đủ vào ngày 27/2, được xây dựng trên một số bài phát biểu và tuyên bố từ chính phủ và các quan chức Anh. Thủ tướng Boris Johnson đang hướng đến một sự sắp xếp hoàn toàn khác với quan điểm người tiền nhiệm Theresa May trước đây. Trong khi bà Theresa May sẵn sàng giữ Vương quốc Anh trong quỹ đạo EU để duy trì thương mại không hạn chế thì ông Boris Johnson ưu tiên tự do tối đa cho Vương quốc Anh để xác định chính sách của riêng mình. Vương quốc Anh muốn có một hiệp định thương mại tự do toàn diện, giống như các thỏa thuận của Brussels với Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các thỏa thuận này loại bỏ hầu hết các mức thuế và các quốc gia không bắt buộc phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của EU. Anh lập luận rằng thỏa thuận này sẽ bao gồm toàn bộ phần lớn thương mại chứ không chỉ là hàng hóa. Hiệp định cũng sẽ giảm thiểu các rào cản đối với các dịch vụ - vốn chiếm phần lớn nền kinh tế Anh.

Ngoài thương mại, Vương quốc Anh dự kiến một loạt các thỏa thuận riêng về thủy sản, an ninh và các lĩnh vực khác như hợp tác hàng không và hạt nhân. Chính phủ Anh dự định phát triển các chính sách độc lập và riêng biệt trong các vấn đề như nhập cư, cạnh tranh, môi trường, chính sách xã hội và bảo vệ dữ liệu. Về giám sát, Vương quốc Anh dự kiến các thỏa thuận quản trị và giải quyết tranh chấp, phù hợp với mối quan hệ có chủ quyền bình đẳng với nhau. Anh đã loại trừ việc kéo dài thời gian chuyển đổi - và đã sẵn sàng cho việc không có thỏa thuận nào vào cuối năm nay. Điều này sẽ đưa thương mại của Anh và EU theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vậy EU sẵn sàng đồng ý điều gì? Các bộ trưởng EU27 đã phê chuẩn lập trường đàm phán của EU vào ngày 25/2. Trong khi đặt ra để có mối quan hệ đối tác gần gũi nhất có thể với Vương quốc Anh, EU cũng nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh không thể có các quyền tương tự và được hưởng các lợi ích tương tự như một thành viên của khối liên minh. Brussels mô tả mối quan hệ đối tác được dự tính là đầy tham vọng, không chỉ thương mại mà còn bao gồm các lĩnh vực khác bao gồm nghề cá, thực thi pháp luật và tư pháp hình sự, chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Đứng đầu danh sách các mối quan tâm của EU là làm thế nào để đảm bảo Vương quốc Anh cam kết với một sân chơi bình đẳng trên một loạt các vấn đề. Các hướng dẫn yêu cầu bảo đảm rằng cạnh tranh là công bằng và các tiêu chuẩn được bảo vệ.

Brussels đang đề nghị cho Anh quyền tiếp cận đầy đủ vào thị trường chung EU - nhưng có điều kiện. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã nói rằng để đạt được mức thuế và hạn ngạch bằng không, Vương quốc Anh phải cam kết không bán phá giá. EU đã không chấp nhận các yêu cầu của Pháp về sự “hài hòa linh động” từ Vương quốc Anh, ngụ ý mức độ phù hợp cao với các quy tắc của EU. Thay vào đó, Vương quốc Anh phải giữ các quy tắc riêng của mình trong các lĩnh vực như môi trường và việc làm theo các quy định của EU trong tương lai - nhưng phải áp dụng các hạn chế của EU đối với viện trợ nhà nước. EU cho biết một cơ quan quản lý mới sẽ giám sát quan hệ đối tác trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ hợp pháp của hai bên. Các quyết định có thể được đưa ra bởi một hội đồng trọng tài độc lập mà các quyết định của họ sẽ có giá trị ràng buộc.

Các trở ngại chính cho một thỏa thuận hậu Brexit hiện nay, chính là: Diễn giải về “sân chơi bình đẳng” có vẻ như sẽ tạo ra một số cuộc thảo luận sôi nổi. Vương quốc Anh muốn tạo ra một con đường độc lập; EU quyết tâm tránh bị tách rời. Mức độ liên kết của Anh với các quy tắc của EU và câu hỏi về quản trị, hứa hẹn sẽ là vấn đề chính trong các cuộc đàm phán. Lập trường đàm phán của Brussels cho biết các tiêu chuẩn của EU phải là một điểm tham chiếu trong việc xây dựng thỏa thuận. Thủ tướng Anh Johnson đã nêu rõ Vương quốc Anh bác bỏ "mọi liên kết pháp lý, bất kỳ khu vực tài phán nào đối với Tòa án Công lý Châu Âu đối với luật pháp của Vương quốc Anh hoặc bất kỳ sự kiểm soát siêu quốc gia nào trong bất kỳ khu vực nào. Nhà đàm phán Brexit của Anh cũng từ chối sự giám sát của EU và cho rằng đó "điểm trừ của toàn bộ Brexit". Brussels nói rằng nếu luật pháp EU cần được giải thích, hội đồng trọng tài nên chuyển các vụ việc tới Tòa án Công lý Châu Âu và tuân theo phán quyết của cơ quan này. Mặc dù Vương quốc Anh muốn tách biệt các vấn đề, EU đang liên kết chính sách đánh bắt cá với các cuộc đàm phán thương mại - trong khi các thỏa thuận cho các dịch vụ tài chính cũng có thể gây ra vấn đề.

Về đánh bắt cá, EU muốn có một chế độ mới được thỏa thuận vào ngày 01/7. Vương quốc Anh quyết tâm trở thành một quốc gia độc lập và kiểm soát nguồn cá của mình; EU muốn duy trì quyền tiếp cận lẫn nhau và phân chia hạn ngạch với Vương quốc Anh. Ngành thủy hải sản một tỷ lệ nhỏ của cả hai nền kinh tế Anh và EU nhưng có tầm quan trọng rất lớn - đối với Anh và cả các nước như Pháp và Hà Lan. Một vấn đề khác đã được đưa ra mà người ta hy vọng được giải quyết trong thỏa thuận Brexit là Bắc Ailen. Các nhà lãnh đạo EU đã hoảng hốt trước những bình luận từ phía Anh cho thấy sẽ không có kiểm tra và tiếp cận không bị hạn chế giữa Anh và Bắc Ailen. Thỏa thuận Brexit giữ cho Bắc Ailen tuân theo một số quy tắc của EU và tạo hiệu quả chọn lọc quy định ở Biển Ailen để tránh biên giới đất liền cứng giữa Bắc Ailen và Cộng hòa Ailen. Các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo rằng việc Anh thất bại trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết có thể làm thất bại các cuộc đàm phán.

Với các lập luận của mình, cuộc khẩu chiến giữa Anh và EU đang diễn ra trước thềm đàm phán hậu Brexit. Anh đã cáo buộc EU từ bỏ lời đề nghị ban đầu của một thỏa thuận thương mại kiểu Canada. Trên thực tế - như một số nhà quan sát và chuyên gia thương mại đã chỉ ra - sự gần gũi về địa lý của Vương quốc Anh với EU, so với các quốc gia khác như Canada, luôn được nhấn mạnh là tạo ra sự khác biệt. Ủy ban châu Âu cũng bị cáo buộc phóng đại sự khác biệt về khối lượng thương mại trong một văn bản sửa đổi. Nói rộng hơn, Brussels lo ngại rằng Vương quốc Anh có thể tìm cách lợi dụng văn bản không ràng buộc, để loại bỏ các cam kết mà EU cho rằng đã đồng ý với sự thiện chí. Nhà đàm phán Brexit của EU Michel Barnier nói rằng các yêu cầu của EU được nêu trong Tuyên bố chính trị - một phần của thỏa thuận Brexit bao gồm các mối quan hệ trong tương lai mà cả EU và Anh đã ký kết. Bất chấp các cuộc đụng độ ban đầu và sự sẵn sàng tuyên bố của Anh về khả năng "không thỏa thuận", một số chuyên gia thương mại tin rằng một thỏa thuận hậu Brexit là trong tầm tay trong năm nay - mặc dù có thể vài tháng trước khi các thỏa hiệp có ý nghĩa diễn ra.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-diem-nghen-va-cuoc-khau-chien-truoc-them-dam-phan-anh-eu-hau-brexit-133228.html