Các điểm thi đã chuẩn bị chu đáo điều kiện để tổ chức thi

Chiều 26/6, hơn 100 nghìn học sinh Hà Nội đã đến các điểm thi làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và chỉnh sửa thông tin sai sót. Theo ghi nhận, các điểm thi đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức thi; giúp thí sinh ổn định tâm lý, cách phân bổ thời gian hợp lý và có kỹ năng làm bài thi hiệu quả.

Thí sinh làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức.

Thí sinh làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức.

Các điểm thi chuẩn bị chu đáo

Đưa con đến làm thủ tục dự thi, chị Nguyễn Đỗ Thu Hương ở Hà Nội cho biết, chị cảm thấy khá hồi hộp. Công sức 12 năm học của con dồn cả vào kỳ thi này. "Chúng tôi không tạo áp lực mà chỉ biết động viên con cố gắng, nỗ lực hết sức để đạt được kết quả như mong muốn" - chị Hương chia sẻ.

Đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vào các Học viện Ngoại giao, Trường đại học Thương mại, em Tạ Hoàng Nguyên, học sinh Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với tâm lý thoải mái, phấn khởi. Tham dự kỳ thi này với Hoàng Nguyên mục đích chính là đỗ tốt nghiệp để đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường tuyển sinh sớm.

Hoàng Nguyên cho biết, em có lợi thế môn Tiếng Anh và môn này em đã được miễn thi. Tuy hơi lo lắng với môn Hóa học, nhưng Nguyên cho rằng để đạt 5 điểm môn này không quá khó khăn. Thí sinh này cũng cho biết đã được trường phổ biến rất kỹ quy chế thi, các vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi. Những ngày sát kỳ thi, em luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế vui vẻ, thoải mái nhất, ăn đủ, ngủ đúng giờ để bảo đảm sức khỏe.

Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng, Phó Trưởng điểm thi Trường THPT Việt Đức cho biết, mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi được điểm thi chuẩn bị đúng, đủ theo quy định. Điểm thi có 19 phòng thi chính thức với hơn 400 thí sinh dự thi. Các phòng thi sạch sẽ, thoáng mát với đầy đủ hệ thống điện, đèn, quạt, điều hòa, tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh. Ngoài ra, điểm thi còn bố trí nơi bảo quản vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi, bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi. Đồng thời, bố trí phòng y tế theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bảo đảm xử lý mọi tình huống có thể xảy ra.

Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng, Phó Trưởng điểm thi Trường THPT Việt Đức chia sẻ về công tác tổ chức kỳ thi.

Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng, Phó Trưởng điểm thi Trường THPT Việt Đức chia sẻ về công tác tổ chức kỳ thi.

Nhằm tăng cường hỗ trợ thí sinh dự thi, điểm thi đã huy động và tập huấn cho đội ngũ tình nguyện tham gia chỉ dẫn, trông giữ đồ, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh. Công tác bảo mật của kỳ thi cũng được điểm thi Trường THPT Việt Đức đặc biệt chú trọng. Theo đó, điểm thi bố trí tủ đựng đề thi và bài thi bằng 2 màu khác nhau rất dễ phân biệt.

“Trong buổi làm thủ tục dự thi, chúng tôi lưu ý cán bộ coi thi cần hướng dẫn chi tiết thí sinh danh sách và vị trí phòng thi vì với nhiều môn thi tổ hợp có thể mỗi môn thí sinh sẽ thi ở 1 phòng khác nhau. Nhà trường cũng chuẩn bị sẵn văn phòng phẩm để hỗ trợ thí sinh nếu các em không may để quên, áo đồng phục hỗ trợ thí sinh chẳng may bị ướt vì mưa gió nhằm bảo đảm sức khỏe cho các em”, cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh cho biết.

Ghi nhận tại điểm thi Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), các thí sinh đến từ khá sớm và đều có tâm trạng vui vẻ, sẵn sàng cho các ngày thi sắp tới. Em Phạm Ngọc Diệp, học sinh Trường THPT Trương Định chia sẻ, suốt một tuần qua, em khá hồi hộp cho kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, đến hôm nay, em đã lấy lại bình tĩnh. Em sẽ cố gắng làm tốt các bài thi để đỗ tốt nghiệp và vào trường đại học yêu thích. Trong buổi làm thủ tục chiều nay, ngoài phổ biến quy chế thi, các thầy, cô giáo còn nhắc nhở về thời gian đến điểm thi và lưu ý đặc biệt không được mang điện thoại vào phòng thi.

Để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh, Hà Nội đã dành những nguồn lực tốt nhất để tổ chức kỳ thi với hơn 15.000 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi. 196 điểm thi ở 30 quận, huyện, thị xã đều chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi.

Cô giáo Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam, Phó Trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất cho biết, lần đầu được thành phố giao nhiệm vụ tổ chức 2 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT cho nên các thầy, cô trong trường đều nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Điểm thi đã chuẩn bị 43 phòng thi, trong phòng có tối thiểu 24 bộ bàn ghế học sinh, 1 bàn giáo viên, có đèn, quạt, điều hòa, nước uống. Nhà trường cũng đã phân công lao công, bảo vệ và các thầy, cô giáo vệ sinh trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho điểm thi.

Thí sinh rà soát các thông tin trong phiếu dự thi.

Thí sinh rà soát các thông tin trong phiếu dự thi.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thành phố trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại một số điểm thi.

Trực tiếp kiểm tra cơ sở vật chất tại các điểm thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đặc biệt quan tâm kiểm tra phòng thi, phòng bảo quản đề và bài thi, phòng y tế và nơi bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh. Tại từng khu vực, đồng chí Vũ Thu Hà đều có những nhắc nhở, lưu ý với từng thành viên làm nhiệm vụ với yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm, tuân thủ nghiêm túc quy chế thi, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Đặc biệt lưu ý khâu bảo quản đề thi và bài thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đề nghị, Ban chỉ đạo thi các đơn vị, lãnh đạo các điểm thi tiếp tục rà soát kỹ điều kiện bảo đảm an ninh an toàn tại phòng bảo quản đề thi, bài thi và phân công lực lượng bảo vệ đúng quy định; từng điểm thi cần lường trước các tình huống bất thường có thể xảy ra (như mưa lớn, có thí sinh bị ốm, mất điện...) để chủ động phương án ứng phó với tinh thần bảo đảm đúng quy chế, thuận lợi nhất cho thí sinh.

Thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Ngày mai (27/6), buổi sáng thí sinh dự thi Ngữ văn, chiều thi Toán. Để thí sinh làm bài hiệu quả, một số chuyên gia giáo dục khuyến cáo, các thí sinh cần nắm vững quy chế thi, nhất là các vật dụng không được mang vào phòng thi.

Các kiến thức các môn cần được hệ thống lại trên cơ sở các đề thi hằng năm, nhất là những năm gần đây. Nếu thí sinh có phương pháp tổng hợp có thể sẽ biết vẫn bài đó, mục đó, dạng đó đã ra rồi nhưng bây giờ liên quan đến bài đó sẽ có thể ra dạng gì nữa, tránh tình trạng đoán đề, học tủ. Thí sinh có kinh nghiệm sưu tầm đề những năm gần đây sẽ có cách tiếp cận và không bất ngờ với những câu hỏi mới.

Liên quan việc giải quyết những câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh cần tô đủ, rõ bằng bút chì, bảo đảm đúng quy định, tránh tình trạng tô không rõ, khi chấm máy quét không nhận diện được, dẫn đến không đúng với kết quả của mình. Thí sinh cũng cần đánh số báo danh đúng theo quy định.

Khi đánh phương án trắc nghiệm, thí sinh cần suy nghĩ để lấp đầy các phương án, chắt chiu từng khoảnh khắc để hoàn thành hết các câu hỏi trắc nghiệm. Cơ hội không chỉ dừng ở kết quả thi tốt nghiệp mà còn có cơ hội vào các trường đại học.

Đối với bài thi tự luận, ngoài hệ thống kiến thức, thí sinh cần có các kỹ năng liên quan. Thí dụ, phần đọc hiểu, đề hỏi cái gì, thí sinh cần trả lời cái đó, phải trả lời gọn, rõ câu. Không ít học sinh vẫn bị mất điểm do không có kỹ năng trả lời, dù câu hỏi dễ vẫn bị mất điểm.

Thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

Thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

Đối với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần biết xây dựng đoạn văn theo đúng một đoạn khoảng 200 chữ, tránh tình trạng không có dẫn chứng; hoặc dẫn chứng quá dài; chỉ cần nêu dẫn chứng tiêu biểu để hạn định trong số chữ của đoạn văn.

Phần nghị luận văn học thường có cấu trúc hai phần là phân tích và sau đó nhận xét, để có tính chất phân hóa. Phần phân hóa thường dao động từ 0,5 đến 1 điểm. Do đó, thí sinh cần làm đủ các phần, và cần tạo lập một bài văn hoàn chỉnh dạng nghị luận văn học.

Một lưu ý hết sức quan trọng nữa là thí sinh cần mang theo đồng hồ (không có chức năng thu, truyền tin theo quy định) để xem giờ. Thí dụ, cần chia phần đọc hiểu bao nhiêu phút, nghị luận xã hội bao nhiêu phút... để làm bài trong thời gian cho phép và đọc soát lại bài làm trong khoảng 5 phút. Việc chuẩn bị kỹ năng phân chia thời gian hợp lý sẽ đem lại cơ hội cho các em dành được điểm cao.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cac-diem-thi-da-chuan-bi-chu-dao-dieu-kien-de-to-chuc-thi-post816220.html