Các điều kiện cơ bản thúc đẩy tăng trưởng vẫn rất tích cực
Năm 2021 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam. Mặc dù vậy, khả năng Việt Nam bắt kịp các quốc gia trên thế giới là khá lạc quan. Nếu Việt Nam muốn tận dụng năm 2022 một cách khôn ngoan để định vị lại đất nước thì chúng ta sẽ phải giải quyết khá nhiều vấn đề. Đây là quan điểm của GS.TS. Andreas Stoffers – Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam.
Cơ hội và thách thức song hành
Năm 2021 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam. Đặc biệt, các đợt giãn cách xã hội bắt đầu từ quý II đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của đất nước. Việt Nam đang tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, do đó tình hình kinh tế thế giới có tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã duy trì khá tốt những yếu tố, như: đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng tốt; sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng rất tốt trong năm 2021, bất chấp những khó khăn quốc tế; tỷ giá VND ổn định so với USD trong năm 2021; lạm phát vẫn ở mức thấp bất chấp các biện pháp chính sách tài khóa nhằm bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và nền kinh tế…
Theo đánh giá của GS. TS Andreas Stoffers những yếu tố tăng trưởng này không thể đảm bảo cho một sự phục hồi trong tương lai. Việt Nam phải mở cửa trở lại và cho phép các nhà đầu tư, những người lao động có tay nghề cao và cả khách du lịch quay trở lại đất nước. Ngoài ra, còn có vấn đề là nhu cầu tư nhân suy yếu do khủng hoảng, các khoản nợ xấu gia tăng và giải ngân đầu tư công còn chậm. Tình hình của khu vực kinh tế phi chính thức đang gánh chịu những tổn thất, tuy không thể hiện trên các con số thống kê nhưng rất đáng lưu tâm.
GS.TS Andreas Stoffers
Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Việt Nam tăng 2% trong năm 2021. So với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới thì mức tăng trưởng này vẫn là một dấu hiệu tốt. Dù vậy, GS.TS Andreas Stoffers đánh giá, năm 2022 vẫn đứng trước nhiều nguy cơ. Chúng ta có thể vượt qua được đại dịch Covid-19 nếu như kiểm soát được những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, tâm lý và xã hội do tình trạng này mang lại. Ngoài sức khỏe của người dân, sự thịnh vượng của nền kinh tế cũng rất quan trọng. Do đó, một lựa chọn khả thi hiện nay là dựa nhiều hơn vào trách nhiệm của người dân và đưa các hoạt động trở lại bình thường một cách nhanh chóng, dù có hoặc không tiêm chủng.
Nhìn chung, theo GS.TS Andreas Stoffers các điều kiện cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực. Các điểm thuận lợi này bao gồm một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do với quốc tế. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thuận lợi cho đầu tư. Con người Việt Nam chăm chỉ làm việc, sẵn sàng học hỏi cái mới và Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu. Kể cả trong đại dịch Covid-19 thì những điểm mạnh này không hề bị mất đi.
Các khuyến nghị chính sách tái định vị Việt Nam vào năm 2022
GS.TS Andreas Stoffers cho rằng, nếu Việt Nam muốn tận dụng năm 2022 một cách khôn ngoan để định vị lại đất nước thì phải giải quyết khá nhiều vấn đề.
Lạc quan về khả năng Việt Nam bắt kịp các quốc gia trên thế giới
“Việt Nam đã vượt qua các cuộc khủng hoảng và khó khăn trong quá khứ, tôi lạc quan về khả năng Việt Nam bắt kịp các quốc gia trên thế giới và khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu” .
GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom Việt Nam
Đầu tiên là vấn đề nguồn nhân lực: Giáo dục và đào tạo chính là “vàng” của tương lai. Trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh, chỉ những quốc gia có một nguồn cung cấp lớn các chuyên gia được đào tạo bài bản mới có thể chiếm ưu thế. Điều này không chỉ đòi hỏi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển mà còn cần tăng cường giáo dục định hướng thực hành, áp dụng cho cả lĩnh vực giáo dục đại học và lĩnh vực đào tạo nghề. Nước Đức có thể đóng vai trò như một ví dụ rất tốt. Việc đào tạo nghề kép (lý thuyết – thực hành) sẽ tạo ra những công nhân lành nghề mà một quốc gia công nghiệp phát triển trong tương lai như Việt Nam cần.
Tiếp theo là cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường. Hệ thống xử lý chất thải, thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt và ô nhiễm không khí cần được giải quyết triệt để hơn. Dự án đô thị thông minh Viện FNF đang thực hiện tại Huế và Cần Thơ là một ví dụ về các dự án bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ hỗ trợ việc bảo vệ môi trường.
Tiếp nữa là vấn đề môi trường kinh tế/số hóa. GS.TS Andreas Stoffers nhấn mạnh: “Tôi muốn đề cập đến blockchain, công nghệ có thể trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi thực sự trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống tương lai. Blockchain sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống logistics trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhà nước cũng là sẽ là chủ đề cần quan tâm”.
Môi trường kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vấn đề cũng được GS. TS Andreas Stoffers khuyến nghị. Có thể lấy nước Đức là ví dụ. Trụ cột của nền kinh tế Đức không nhất thiết phải là các công ty lớn như Siemens, Mercedes hay BMW mà là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tính linh hoạt cao. Việt Nam cần đặc biệt lưu ý điều này.
Theo kết quả nghiên cứu năm 2021 được thực hiện bởi Viện FNF, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Viện Đào tạo & nghiên cứu BIDV, doanh nghiệp hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Hình thức doanh nghiệp này đóng góp khoảng 30% vào GDP của đất nước từ năm 2015 đến năm 2019. Quan trọng nhất, khu vực này tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 5,4 triệu doanh nghiệp hộ gia đình đang sử dụng hơn 9 triệu người lao động. Mặc dù mô hình kinh doanh này mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nhưng vẫn chưa được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển.
Về môi trường kinh tế, chính sách đầu tư và thương mại tự do, GS.TS Andreas Stoffers cho rằng, đây là lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ nhất. Việt Nam đã và đang hội nhập vững chắc vào nền kinh tế toàn cầu bằng hệ thống các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU và Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021) là những ví dụ rất rõ. Kết hợp với các chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong vấn đề này.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng mới của Việt Nam
Theo GS.TS Andreas Stoffers, để tăng trưởng GDP vào năm 2022, nhất thiết các doanh nghiệp cần được tự do hoạt động, bởi họ là xương sống của tăng trưởng kinh tế. Các mục tiêu chính của Chính phủ nên tập trung vào thúc đẩy thương mại và khôi phục chuỗi cung ứng, thay vì dàn trải ngân sách nhà nước cho nhiều hoạt động khác nhau.
Trong năm ngoái, hàng nghìn công ty đã ngừng hoạt động kinh doanh. Đã có nhiều tổn thất về lực lượng lao động và các đơn hàng và đứt gãy liên kết trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, sẽ mất vài tháng để tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi. Một lần nữa, điều kiện tiên quyết là mở cửa đất nước càng sớm càng tốt.
Giám đốc FNF Việt Nam có sự lạc quan đối với nhóm kinh doanh hộ gia đình tại Việt Nam. Họ sẽ là nhóm thích ứng nhanh và có khả năng phục hồi mạnh nhất sau khi các hạn chế hoạt động được dỡ bỏ. Ưu điểm của nhóm này là tính linh hoạt và tỷ lệ vốn thấp, cho phép họ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.