Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc báo động nợ
Theo báo Liên hợp buổi sáng, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đồng loạt báo động về vấn đề nợ cho thấy rủi ro mang tính hệ thống của thị trường nhà đất chưa thực sự lắng dịu.
Ngày 17/7, tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande Group lần lượt công bố 3 báo cáo tài chính trì hoãn đã lâu. Báo cáo cho thấy tổng nợ tính đến cuối năm 2022 của tập đoàn này đã lên đến 2.440 tỷ NDT (338 tỷ USD).
Theo báo cáo tài chính bổ sung năm 2021, nửa đầu năm 2022 và cả năm 2022 của Evergrande Group, lỗ ròng của tập đoàn này trong năm 2021 là 686,2 tỷ NDT và năm 2022 là 125,8 tỷ NDT, tổng lỗ hai năm lên đến 812 tỷ NDT. Đây là lần đầu tiên Evergrande Group ghi nhận lỗ hai năm liên tiếp kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2009.
Do Evergrande Group trì hoãn công bố báo cáo tài chính, nên cổ phiếu của tập đoàn này bị đình chỉ giao dịch từ ngày 21/3/2022 đến nay. Ngày 17/7, Evergrande Group thông báo cổ phiếu sẽ tiếp tục bị đình chỉ. Nếu cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch trong 18 tháng liên tục, Evergrande Group sẽ đối diện với rủi ro hủy niêm yết.
Cùng ngày, Wanda Commercial Management, công ty bất động sản thương mại trực thuộc Wanda Group cũng đã đưa ra cảnh báo 400 triệu USD trái phiếu đáo hạn vào ngày 23/7 vẫn còn thiếu ít nhất 200 triệu USD, công ty vẫn đang nỗ lực huy động tiền để thanh toán. Bloomberg dẫn lời giới thạo tin nhấn mạnh, Wanda Commercial Management cho biết họ đang xem xét các phương án lựa chọn khác, song không cung cấp chi tiết.
Bên cạnh các doanh nghiệp tư nhân, Sino-Ocean Group - doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải vấn đề thanh khoản. Sino-Ocean Group thông báo chưa thể thanh toán lãi suất trái phiếu trị giá 7,02 triệu USD vào ngày 13/7.
Ngày 18/7, Sino-Ocean Group lại đưa ra một cảnh báo nhấn mạnh công ty đã tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của các nhân tố như doanh số bán hàng và tình hình tái cấp vốn không được cải thiện như kỳ vọng, đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt thanh khoản mang tính giai đoạn, thanh khoản ngắn hạn khó được cải thiện.
Sino-Ocean Group là một trong những số ít doanh nghiệp bất động sản không vỡ nợ trong hai năm qua. Tuy nhiên, đầu tháng này Sino-Ocean Group tiết lộ rằng, các đại cổ đông là China Life và Dajia Life đã thành lập một nhóm làm việc chung cho Sino-Ocean Group. Các cổ đông này đã thuê Công ty dịch vụ tài chính và quản lý đầu tư quốc tế Trung Quốc (CICC) làm nhà tư vấn tài chính để nắm bắt toàn diện hơn tình hình hoạt động của Sino-Ocean Group. Điều này dẫn đến sự lo ngại của nhà đầu tư đối với tình trạng kinh doanh và rủi ro vỡ nợ trái phiếu của Sino-Ocean Group.
Nghiêm Dược Tiến, Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu E-House, một tổ chức tư vấn bất động sản nhấn mạnh, doanh thu bất động sản năm nay rất tồi tệ, ngay cả một số doanh nghiệp nhà nước được đánh giá tốt trước đây thì trái phiếu cũng dễ dàng xuất hiện rủi ro, cần phải đánh giá lại. Đặc biệt, những doanh nghiệp có dữ liệu doanh thu sụt giảm quá nhanh, nắm giữ nhiều đất tiềm năng, thì cần phải tích cực và thận trọng hơn đối với hoạt động kinh doanh tiếp theo.
Ngày 18/7, cổ phiếu của Sino-Ocean Group trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm 10,34%, tương tự các cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán Hong Kong như Country Garden, Longfor Properties, Seazen Group… đều ghi nhận mức giảm trên 6%.
Rủi ro trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chỉ là một trong những triệu chứng "mệt mỏi" của thị trường nhà đất Trung Quốc. Theo số liệu được công bố một tuần trước đó, đầu tư phát triển bất động sản cả nước giảm 7,9% trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng diện tích bán nhà ở so với cùng kỳ chuyển từ dương sang âm, giá nhà mới giảm trở lại sau 5 tháng. Những điều đó cho thấy sức bật yếu ớt của thị trường nhà đất trong quý I/2023.
Giáo sư kinh tế Diêu Thụ Khiết của Đại học kinh tế Trùng Khánh phân tích cho rằng, hiện nay bất động sản đang bước vào chu kỳ điều chỉnh nên chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế trong ngắn hạn. Mặc dù thị trường sẽ dần phục hồi, nhưng chính phủ vẫn cần kịp thời phòng ngừa rủi ro, tránh phản ứng dây chuyền của các doanh nghiệp bất động sản lớn và tác động đến niềm tin thị trường.
Cách đây một tuần, cơ quan quản lý tài chính đã thông báo gia hạn thời gian một số chính sách trong “16 điều hỗ trợ tài chính bất động sản”, bao gồm cho phép ngân hàng gia hạn khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản. Ngày 14/7, các quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc để ngỏ khả năng chính phủ có thể ban hành các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cho thị trường bất động sản.
Sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2023 của Trung Quốc được công bố vào ngày 17/7 không như kỳ vọng, giới phân tích một lần nữa kêu gọi chính phủ nhanh chóng đưa ra biện pháp kích thích các lĩnh vực, trong đó có thị trường bất động sản.
Trong cuộc họp báo ngày 18/7, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) Lý Tuệ nói rằng NDRC sẽ kiên trì tư duy lằn ranh đỏ, xử lý ổn thỏa rủi ro tiềm ẩn trên các lĩnh vực bất động sản, tài chính, nợ chính quyền địa phương…/.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-trung-quoc-bao-dong-no/300351.html