'Các doanh nghiệp bị ngợp vì những rào cản thủ tục hành chính'
Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam kiến nghị cơ quan Nhà nước hạn chế ban hành thêm thông tư, quy định mới, đảm bảo ổn định môi trường kinh doanh vì doanh nghiệp đang 'bị ngợp' bởi nhiều rào cản thủ tục hành chính hiện hành.
Chia sẻ tại hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 6/7, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủ tục hành chính đang có xu hướng “đòi” nhiều hơn các loại giấy tờ, trong khi pháp luật không thay đổi mà thủ tục lại ngày một nhiều hơn.
“Các doanh nghiệp của VASEP thường xuyên được nhìn thấy dòng chữ: Cơ quan Nhà nước có thể yêu cầu thêm các giấy tờ trong trường hợp cần thiết, nhưng trường hợp cần thiết là như thế nào thì không ai định nghĩa”, ông Nam chỉ ra.
Một xu hướng khác theo lời ông Nam mà các đơn hàng thường gặp phải là giấy tờ do chủ hàng nước ngoài cấp không được chấp nhận, mà phải là giấy tờ do cơ quan thẩm quyền ở nước xuất khẩu đóng dấu đỏ cấp.
“Điều này là rất khó khăn. VASEP mong cơ quan Nhà nước hiểu rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải thực hiện 2 luật cùng một lúc, gồm bộ luật kinh doanh của Việt Nam và luật của nước xuất khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam thẳng thắn chỉ ra.
"Các doanh nghiệp đang bị ngợp vì những rào cản thủ tục hành chính. Kiến nghị cơ quan Nhà nước hạn chế ban hành thêm thông tư, quy định mới, đảm bảo ổn định môi trường kinh doanh. Với những quy định bắt buộc cần ban hành, chúng tôi mong muốn các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp nhiều hơn nữa để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi”.
Phó tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam
“Mong muốn được tôn trọng ý kiến”
Cùng chung vướng mắc với VASEP, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) nhìn nhận, hiện nay, vẫn còn tình trạng một số nghị định, thông tư, quy định còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Trong các dự thảo văn bản mới chuẩn bị ban hành, các doanh nghiệp, hiệp hội còn khó tiếp cận với việc góp ý chính sách.
Lấy ví dụ về một vướng mắc kéo dài, bà Chi cho biết, Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đang gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp thực phẩm.
Theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, quy định bất cập này đã kéo dài dai dẳng hơn 5 năm khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn, tổn thất từ việc yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung iốt vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm.
Trên cơ sở các kiến nghị và các bằng chứng khoa học được đệ trình từ hiệp hội, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP và chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định này, thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng. Tuy nhiên, việc sửa đổi này vẫn chưa được triển khai”, bà Chi nêu thực tế.
Từ vướng mắc kéo dài trên, bà Lý Kim Chi kiến nghị, khi ban hành thông tư, nghị định, các cơ quan Nhà nước chú trọng lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, đối tượng chịu sự tác động, để các điều kiện kinh doanh có thể dễ dàng đi vào thực tế.
"Cộng đồng doanh nghiệp rất mong Chính phủ tiếp tục quán triệt cải cách tối đa thủ tục hành chính, sửa đổi triệt để các quy định còn bất cập, gây khó khăn, tạo môi trường kinh doanh ổn định và tăng cường giám sát, yêu cầu các Bộ/ngành thực hiện chỉ đạo Chính phủ kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp”.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM Lý Kim Chi
Nhìn nhận điểm tích cực từ việc lấy ý kiến doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu hiệp hội này đóng góp vào ban soạn thảo nghị định xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu.
Theo ông Hiệp, việc mời các hiệp hội, ngành nghề, doanh nghiệp liên quan tham gia, đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật sẽ giúp các quy định đó sát thực tế và không gây bức xúc khi thực thi.
“Tôi nhận thấy chưa Bộ/ngành nào làm được điều này, các doanh nghiệp bất động sản, các nhà thầu chưa từng được tham gia đóng góp ý kiến vào bất cứ Bộ/ngành nào khác kể cả lĩnh vực liên quan sát sườn như xây dựng”, ông Hiệp cho biết thêm
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng đưa yêu cầu này vào các quy định ban hành luật, thông tư, nghị định để tôn trọng hơn nữa ý kiến của các hiệp hội, ngành nghề, tránh được việc đưa ra các quy định “trên trời”, khó thực thi.