Các doanh nghiệp chuyển mình thích ứng xanh hóa
Bất kể doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước đều đang có những thay đổi quan trọng để hướng đến quá trình xanh hóa không thể đảo ngược.
Tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2024, ông Ben Ding Khoon Yew, Tổng giám đốc các Công ty thành viên của Tập đoàn Soilbuild tại Việt Nam chia sẻ, hành trình phát triển bền vững của Tập đoàn Soilbuild bắt đầu từ năm 2010, thời điểm có rất ít nhà đầu tư để ý đến mục tiêu phát triển xanh. Tập đoàn Soilbuild luôn cố gắng tiếp cận nhiều nhất các yếu tố tự nhiên trong các dự án của mình và đã thắng thầu nhiều dự án quan trọng nhờ yếu tố xanh.
Năm 2022, Soilbuild đã hoàn thành một công trình bất động sản công nghiệp. Công trình này có rất nhiều thay đổi với các công trình từ năm 2010 vì đã tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và công nghệ xanh vào tòa nhà.
“Soilbuild luôn suy nghĩ, trăn trở để mỗi công trình được xây dựng tiết kiệm năng lượng nhiều nhất, mục tiêu là đạt được mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất và hướng tới net zero. Các tòa nhà được xây dựng phải tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn là năng lượng tiêu thụ”, ông Ben Ding Khoon Yew khẳng định.
Tại Việt Nam, Soilbuild mới thâm nhập vào thị trường Nghệ An, nhưng Tập đoàn này cũng dựa trên những bài học của các dự án trước và phấn đấu giảm thiểu tiêu thụ năng lượng ở các công trình mới là 15%.
Ông Ben Ding Khoon Yew đánh giá, việc Chính phủ Việt Nam đưa ra một số cam kết để đạt net zero ở COP 26 là một tín hiệu tốt. Trong những năm qua, Việt Nam cũng nỗ lực theo đuổi chính sách ngành năng lượng, môi trường, nâng cao quy định trách nhiệm xã hội.
"Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang xem xét đánh thuế carbon, đây cũng là tín hiệu đáng mừng. Lộ trình xanh hóa của Việt Nam rất đáng khích lệ, điều này giúp cho doanh nghiệp phát triển có trách nhiệm hơn", ông Ben Ding Khoon Yew bày tỏ.
Ông Trương Anh Hải, Phó tổng giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường và Cộng đồng, Công ty NS BlueScope Việt Nam cho rằng, đối với doanh nghiệp, việc tích hợp, đưa những yêu cầu của ESG vào phải được thực hiện ngay từ khi bắt đầu triển khai nhà máy, hoạt động tại khu công nghiệp.
Theo ông Hải, ESG bao hàm rất rộng, có thể kể đến như biến đổi khí hậu, rác thải, nước thải, an toàn vệ sinh lao động, quản trị…, nhưng mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng nên có những vấn đề liên quan đến ESG khác nhau. Vì vậy, không thể dùng một bộ ESG để áp dụng chung cho các ngành. Như tại BlueScope, chuẩn ESG của Công ty dựa trên 12 tiêu chí liên quan đến môi trường, xã hội, quản trị.
“ESG rất khó, có tất cả hơn 370 yêu cầu liên quan. Bên cạnh những yêu cầu được đáp ứng, vẫn còn một vấn đề khó nữa là xây dựng quy trình thực hành như thế nào và cuối cùng là phải làm như thế nào để người lao động thấy rằng việc chuyển đổi xanh là điều đúng đắn. Đây là điều rất khó nhưng Công ty dám theo đuổi”, ông Hải nhấn mạnh.
Không chỉ khách quốc tế, một số khách hàng tại Việt Nam của BlueScope đã yêu cầu cung cấp những tiêu chuẩn liên quan đến việc sản xuất. Một số khách muốn kiểm tra về mức độ phát thải trên mỗi tấn thép hay yêu cầu xem báo cáo ESG… Ông Hải cho rằng, chính những yêu cầu này sẽ thôi thúc hành trình chuyển đổi xanh không thể đảo ngược.
Về phía doanh nghiệp “cung cấp” xanh, ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chia sẻ, cách đây 10 năm, Công ty đã hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững. Trong đó, sản phẩm của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Úc, châu Âu.
"Nếu không có ESG, sản phẩm của Công ty không thể xuất khẩu được. Vì vậy, việc sản xuất xanh, phát triển môi trường bền vững không phải câu chuyện một mà phải tất cả doanh nghiệp, cộng đồng cùng phải thực hiện.
Đối với khu công nghiệp xanh, sinh thái, cần phải đầu tư đồng bộ ngay từ đầu, để làm được vậy, Nhựa Tiền Phong đã và đang đồng hành cùng chủ đầu tư từ khâu thiết kế, tới vận hành mới có thể thành công được như ngày nay", ông Ninh nhấn mạnh.
Nhựa Tiền Phong và CTCP Shinec đã tiến hành hợp tác chiến lược với nhau để cung cấp ống nhựa Tiền Phong cho các công trình hạ tầng khu - cụm công nghiệp của Shinec trên khắp cả nước.
Trong đó, Công ty đã cung cấp sản phẩm nhựa cho Khu công nghiệp của Shinec với yêu cầu cao, bám sát với xu hướng phát triển bền vững, hướng tới trung hòa carbon và net zero 2050. Vì vậy, Nhựa Tiền Phong đã tiếp tục đẩy mạnh đầu tư máy móc hiện đại, làm giảm phát thải ít hơn và đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và thương mại hướng tới phát triển xanh, bền vững.