Các doanh nghiệp đều rất năng động, nhiệt huyết và không ngại sự thất bại

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng về một số hoạt động của hội và xu hướng phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Sóc Trăng trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa ông, Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; “dư chấn” của nó hiện chưa lành. Doanh nghiệp, doanh nhân Sóc Trăng vẫn đang phải đối diện với những thách thức gì?

Ông Trần Khắc Tâm:4 làn sóng dịch Covid-19 liên tiếp ập đến khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam phải dừng hoạt động, rất nhiều doanh nghiệp khác sống thoi thóp, cố gồng mình để duy trì sự tồn tại. Tôi thường nói, dịch bệnh chính là “liều thuốc thử hạng nặng” đối với khả năng chống chịu của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nhỏ, “sức đề kháng yếu” sẽ phải dừng hoạt động, còn đối với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế, đây là một “bài học lớn”, một cơ hội để họ thay đổi chiến lược kinh doanh và tập thích ứng với những điều kiện sản xuất, kinh doanh khốc liệt nhất.

Sóc Trăng là tỉnh còn tương đối nghèo, nơi tập trung khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, có thể nói, Sóc Trăng là một trong những tỉnh trên cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Đến nay, mặc dù đỉnh dịch đã đi qua nhưng hậu quả để lại là vô cùng nặng nề và thấm thía. Ngoài số doanh nghiệp đã giải thể, hiện nay, vẫn còn khá nhiều các doanh nghiệp đang phải đối diện với muôn trùng khó khăn.

Thứ nhất, đó là vấn đề về lao động. Khi dịch bệnh nổ ra, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều lao động bỏ về quê và sau này không trở lại công ty nữa. Nhiều công ty mất thời gian tuyển lại lao động và phải đào tạo lại từ đầu. Điều này ảnh hưởng đến việc sản xuất.

Thứ hai, dịch bệnh khiến doanh nghiệp phải sử dụng đến phần tích lũy từ trước đến nay. Chính vì vậy, họ đang gặp vấn đề liên quan đến vốn. Không ít các chủ doanh nghiệp tâm sự với tôi rằng, chỉ còn tiền để duy trì hoạt động trong khoảng 1 - 2 tháng nữa.

Thứ ba, sau thời gian gián đoạn khá dài về dịch bệnh, việc tiếp cận trở lại với khách hàng của một số doanh nghiệp bị cắt đứt, đình trệ. Điều này đang dần được khôi phục nhưng chắc chắn sẽ phải mất thời gian khá dài.

Thứ tư, chuỗi cung ứng trong thời gian dịch bệnh bị đứt gãy do các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch, giá nguyên liệu đầu vào cao nên hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, chưa thể phục hồi như trước được.

Phóng viên: Cùng với những khó khăn nêu trên, hiện bối cảnh thế giới có nhiều vấn đề không thuận lợi, dẫn tới tình trạng lạm phát, nguồn cung khan hiếm. Theo ông, doanh nghiệp Sóc Trăng chịu ảnh hưởng gì không?

Ông Trần Khắc Tâm:Tất nhiên với bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã, đang và sẽ đối mặt với những khó khăn. Kinh tế thế giới toàn cầu suy thoái do dịch bệnh, chiến tranh tại Ukraine khiến một số thị trường của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Sóc Trăng bị ảnh hưởng.

Đầu tiên là chiến tranh khiến giá dầu tăng, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Giá xăng dầu tăng cao dẫn đến giá đầu vào tăng, điều này đồng nghĩa với giá sản phẩm đầu ra sẽ tăng và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Bên cạnh đó, chiến tranh khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, nguồn cung khan hiếm, giá nguyên liệu tăng cao... hệ lụy là chuỗi sản xuất, chuỗi tiêu thụ bị gián đoạn. Đối với một doanh nghiệp, khi nguồn cung, việc sản xuất, chuỗi tiêu thụ bị ảnh hưởng chắc chắn khó khăn sẽ chồng chất khó khăn.

Phóng viên: Tuy nhiên, chính trong gian khó thường lại mở ra cơ hội đối với những người biết tận dụng nó. Doanh nghiệp, doanh nhân Sóc Trăng đang vượt khó như thế nào? Xin ông cho một vài ví dụ?

Ông Trần Khắc Tâm: Có thể nói, đại dịch Covid-19 quét qua, Sóc Trăng bị tác động nặng nề, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Nhưng với sự quyết tâm, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng có sự thuận lợi là nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu liên tục có những chỉ đạo các sở, ban ngành chuyên môn phải thường xuyên gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng ra nhiều quyết định để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Tại thời điểm dịch bệnh phức tạp, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo phương thức 4 vùng (nguy cơ thấp - vùng xanh; nguy cơ trung bình - vùng vàng; nguy cơ cao - vùng cam; nguy cơ rất cao - vùng đỏ). Biện pháp này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và dần chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhờ đó, tỉnh đã thực hiện hoàn thành “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Tôi cho rằng, dịch bệnh vừa là thử thách vừa là cơ hội đối với những người biết nhận định thị trường chủ động trong việc vừa sản xuất vừa chống dịch, nhanh nhạy trong việc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Thực tế đã chứng minh, có nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, phát triển vượt bậc trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Tôi lấy ví dụ như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ Thành Tín, một trong ba công ty xuất khẩu gạo hàng đầu trong cả nước. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua. Cụ thể, các chỉ tiêu về xuất khẩu vẫn đạt so với cùng kỳ.

Một điều đáng mừng và rất đáng khích lệ là hầu hết các doanh nghiệp mà đứng đầu là các doanh nhân tại tỉnh Sóc Trăng đều có khả năng thích ứng với các bối cảnh, tình hình mới. Trong thời điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất, đảm bảo được an toàn cho người lao động. Và đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, họ lao vào sản xuất gấp 5 - 10 lần để phục hồi kinh tế.

Phóng viên: Xu hướng phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Sóc Trăng thời gian tới như thế nào, theo ông cần tập trung vào lĩnh vực gì?

Ông Trần Khắc Tâm:Hiện nay, xu hướng phát triển của doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu là phải khôi phục lại sản xuất, kinh doanh như thời điểm trước dịch bệnh. Sóc Trăng có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về mảng nông nghiệp như nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, sản xuất lúa gạo. Điều đầu tiên họ hướng tới là phải khôi phục lại lực lượng lao động và tìm kiếm thêm thị trường, khách hàng. Song song với đó là nhanh chóng có kế hoạch phát triển, kế hoạch thị trường trong giai đoạn mới. Chúng ta cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đi vào các thị trường khó tính. Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, nhất là các thị trường khó tính, hàng hóa sẽ được đánh giá đúng với giá trị của nó.

Và điều quan trọng chính là việc chuyển đổi số trong thời kỳ 4.0 đối với các doanh nghiệp. Chúng ta có thể nhận thấy những lợi ích dễ dàng nhận biết nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, lãnh đạo dễ dàng báo cáo kịp thời và tối ưu hóa được năng suất công việc cho nhân viên… Những điều này làm tăng tính hiệu quả cũng như sự cạnh tranh doanh nghiệp được nâng cao. Thực tế đã có không ít các doanh nghiệp đã và đang thực hiện việc chuyển đổi số. Tôi cho rằng, đây là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông. Chúc ông cùng các doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà gặt hái nhiều thành quả ngọt ngào trong thời gian tới.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/cac-doanh-nghiep-deu-rat-nang-dong-nhiet-huyet-va-khong-ngai-su-that-bai-60845.html