Các doanh nghiệp Đức có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK), các doanh nghiệp Đức đã rót 3,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và hơn 80% doanh nghiệp tỏ thái độ lạc quan về triển vọng kinh doanh nơi đây.
Khảo sát triển vọng kinh doanh mùa thu 2024 của AHK (AHK World Business Outlook Fall 2024) cho thấy, các nhà đầu tư Đức bày tỏ sự tin tưởng vào tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hàng đầu và phần lớn họ tự tin vào hiệu quả kinh doanh và có kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam.
Kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh ổn định
Theo khảo sát, 81% doanh nghiệp tham gia bày tỏ sự hài lòng với hoạt động hiện tại, 50% kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh, 35% có kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam, cao hơn mức 24% tại thời điểm khảo sát mùa xuân 2024.
35% dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Ngoài ra, 54% doanh nghiệp tin tưởng vào tốc độ phát triển ổn định của Việt Nam, 54% có kế hoạch giữ nguyên quy mô lao động, và 35% dự định tuyển thêm nhân sự trong năm tới.
AHK World Business Outlook (AHK WBO) là báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát thường niên của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) với sự tham dự của các doanh nghiệp và nhà đầu tư thành viên của Phòng Thương mại Đức tại nước ngoài, các Phái đoàn và Văn phòng Đại diện (AHK).
AHK Việt Nam đã triển khai khảo sát từ ngày 23/9 - 16/10/2024 đối với các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 39% công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 41% đến từ lĩnh vực dịch vụ và 20% là các công ty thương mại.
Kết quả cuộc khảo nhằm đánh giá về tình hình phát triển của doanh nghiệp Đức, xu hướng phát triển của doanh nghiệp Đức trong 12 tháng tới, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tuyển dụng cũng như những kỳ vọng của chính nhà đầu tư Đức đối với sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Năm 2024, đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt mức cao thể hiện quan hệ hợp tác ngày càng vững mạnh giữa hai quốc gia. Với hơn 530 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, quốc gia này tiếp tục là thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng toàn cầu của Đức.
Tính đến nay, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư 3,6 tỷ USD vào các lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao, logistics, và năng lượng tái tạo – một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Mặc dù các doanh nghiệp Đức hoạt động trên thị trường quốc tế lạc quan về tương lai, họ vẫn thận trọng trước những biến động kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp này đã xác định một số thách thức chính từ môi trường bất ổn hiện nay, bao gồm nhu cầu toàn cầu giảm sút (60%), bất định trong chính sách kinh tế (30%), và hạn chế về cơ sở hạ tầng (27%).
Ngoài ra, các vấn đề như rào cản thương mại (24%), chi phí lao động gia tăng (22%), bất định pháp lý (22%), và gián đoạn chuỗi cung ứng (22%) cũng ảnh hưởng đến các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp Đức, bao gồm cả tại Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, các yếu tố cạnh tranh chủ yếu được doanh nghiệp Đức đánh giá là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng 47%, cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp địa phương 33%, và từ các đối thủ đến từ thị trường thứ ba 26%. Những yếu tố này phản ánh sự phức tạp mà doanh nghiệp cần vượt qua để duy trì tăng trưởng và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chú trọng vào công nghệ xanh và phát triển bền vững
Dù có thách thức, các doanh nghiệp Đức vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng lớn tại thị trường Việt Nam. Hơn một nửa (53%) doanh nghiệp khảo sát nhận thấy vị thế cạnh tranh tích cực trong 5 năm qua. Tăng trưởng kinh tế ổn định và vai trò chiến lược của Việt Nam như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu giúp doanh nghiệp Đức đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh bất định toàn cầu.
Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA)
Trao đổi với Mekong - ASEAN về triển vọng đầu tư trong năm 2025, ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) cho biết: "Chúng tôi tin rằng tương lai của cộng đồng GBA trong năm 2025 sẽ rất hứa hẹn. Việt Nam, với vị trí địa lý độc đáo, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, lực lượng lao động có trình độ cao và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong sản xuất, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng tiếp theo.
Chúng tôi dự đoán sẽ có sự phục hồi các khoản đầu tư của Đức, được thúc đẩy bởi các chiến lược đa dạng hóa, khu vực hóa và nội địa hóa chuỗi cung ứng."
Do đó, Chủ tịch GBA kỳ vọng dòng vốn đầu tư có xu hướng tập trung vào nguồn cung ứng tại địa phương, nghiên cứu và phát triển (R&D), và sản xuất. Để đáp ứng yêu cầu toàn cầu, các công ty Đức cũng sẽ tiếp tục cam kết giảm phát thải carbon trong hoạt động của mình và triển khai các phương pháp kinh doanh tốt nhất.
Trong khi một số lĩnh vực như hàng tiêu dùng và dịch vụ có thể phục hồi chậm hơn vào năm 2025, ông Alexander Ziehe dự đoán doanh nghiệp Đức sẽ có cách tiếp cận thận trọng để kích hoạt tiềm năng nhu cầu tại địa phương.
Ngược lại, đối với hàng hóa xuất khẩu, đầu tư cũng như chuỗi cung ứng công nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn và các hoạt động gia tăng ở cả cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Nếu tiếp tục quá trình cải cách, Việt Nam có thể đạt được kết quả to lớn hơn trong năm 2025 và duy trì vị thế là điểm đến thu hút đầu tư toàn cầu", Chủ tịch GBA nhấn mạnh.
Công ty Đức không chỉ đầu tư vào sản xuất mà còn tham gia vào các lĩnh vực như số hóa, năng lượng tái tạo và logistics, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó có thể kể đến những tên tuổi nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm như Siemens, Bosch, Schaeffler, Bayer, Neumann Gruppe, Friwo, Framas, Thyssenkrupp, TÜV Rheinland, Kobler, B.Braun, DIGI-TEXX Vietnam...
Các doanh nghiệp đều chú trọng vào khía cạnh phát triển bền vững phù hợp với thế mạnh về công nghệ xanh của Đức, mở ra cơ hội lớn cho sự đổi mới và hợp tác đào tạo cho nhân viên, đầu tư vào các công nghệ xanh như hệ thống quang điện (PV) và nâng cấp phương pháp sản xuất.
Mới đây, Bosch Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất của Đức tại Việt Nam (theo đánh giá của AHK), đã được vinh danh là một trong 100 doanh nghiệp bền vững hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại Giải thưởng Chỉ số bền vững doanh nghiệp (CSI) 2024. Sự công nhận này nhấn mạnh cam kết không ngừng của Bosch đối với các thực hành bền vững và những đóng góp đáng kể của công ty cho ngành sản xuất của Việt Nam.
Ông Brendan Sunderland, Phó Chủ tịch và Giám đốc kỹ thuật tại Bosch Việt Nam, nhấn mạnh sự cống hiến của công ty đối với sản xuất bền vững: “Tại Bosch, chúng tôi tin rằng thành công kinh tế và trách nhiệm môi trường đi đôi với nhau.
Sự công nhận trong Giải thưởng CSI 2024 tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy các thực hành bền vững trong ngành sản xuất của Việt Nam. Khi chúng tôi kỷ niệm cột mốc này, chúng tôi vẫn tập trung vào sứ mệnh phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống đồng thời bảo vệ môi trường.”
Năm 2024 cũng đánh dấu sự có mặt của những thương hiệu mới “bén duyên” Việt Nam như Kärcher, nhà sản xuất thiết bị làm sạch hàng đầu thế giới, đã mở nhà máy sản xuất tại Quảng Nam, công ty Ziehl-Abegg chuyên sản xuất công nghệ quạt và động cơ xây dựng nhà máy tại Đồng Nai.
Điển hình là doanh nghiệp “gốc Đức” có trụ sở tại Dubai Pearl Polyurethane Systems đã khai trương nhà máy mới tại Đồng Nai chỉ trong vòng 18 tháng kể từ lần đầu đến Việt Nam tìm hiểu thị trường.
Cũng trong năm 2024, nhiều đoàn doanh nghiệp Đức đã đến làm việc để tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như tiềm năng hợp tác tại các tỉnh, thành phố TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Nam Định… hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển kinh doanh và đầu tư trong tương lai.