Các doanh nghiệp hài lòng với các ứng phó của tỉnh Quảng Ninh trong đại dịch
Tỉnh Quảng Ninh được ghi nhận là một trong những địa phương đi đầu, linh hoạt trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch
Ngày 25/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy triển khai nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về chỉ số năng lực cạnh tranh –PCI tỉnh Quảng Ninh 2021, phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022.
Doanh nghiệp được hỗ trợ toàn diện
Theo báo cáo điều tra PCI 2021, tại Quảng Ninh có 81,6% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 100% doanh nghiệp FDI tại địa bàn tỉnh hài lòng với cách ứng phó của tỉnh về khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Kết quả trên phần lớn là nhờ công tác hỗ trợ giải quyết các thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp được tỉnh Quảng Ninh triển khai với cách làm mới, nhanh, rút ngắn thời gian qua các hoạt động như: Ban hành các văn bản chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chuyên đề, lĩnh vực; Thành lập các Tổ công tác đặc biệt để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh như Tổ Investor Care hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; Tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án; Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng được thực hiện hiệu quả hơn thông qua nhiều hình thức như tổ chức Hội nghị làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội du lịch tỉnh về tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; Tổ chức Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2021 và thống nhất chủ trương định kỳ thứ 7 hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ chủ trì cùng các sở, ngành, địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các Phiên Cafe doanh nhân/các cuộc gặp trực tiếp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với từng lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, cách làm mới trong hỗ trợ các dự án đầu tư trọng điểm là công tác chỉ đạo sát sao, gắn với kiểm tra, đôn đốc tại thực địa dự án của các Lãnh đạo tỉnh, qua đó đã chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề của các dự án đầu tư. Các sở, ban, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục đầu tư về đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, bảo vệ môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất...
Nhận diện vấn đề để cải thiện bền vững PCI 2022
Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn tồn tại đã được chỉ ra như vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp không hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh có điều kiện, thể hiện ở một số chỉ tiêu có thứ hạng rất thấp như: “Tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp” đạt 11,76% đứng thứ 52/63; “Tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện” đạt 25% đứng thứ 42/63 cả nước.
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp xử lý hồ sơ chưa kịp thời, dẫn tới quá hạn hoặc yêu cầu bổ sung, đặc biệt là ở cấp huyện. Điển hình như năm 2021, cấp tỉnh có 200 hồ sơ quá hạn (tăng 54% so với năm 2020). Việc thực hiện quy trình giải quyết TTHC có lúc, có nơi chưa thực hiện đúng quy định, như không lập Phiếu từ chối, không hướng dẫn đầy đủ và lập Phiếu yêu cầu bổ sung hồ sơ khi hồ sơ tiếp nhận chưa đủ thành phần theo quy định, dẫn đến tổ chức, cá nhân phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, chi phí đi lại…
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm.
Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thường trực, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới”
Để thực hiện được mục tiêu, nhiều giải pháp cũng đã được tỉnh Quảng Ninh đề ra như tiếp tục xác định đầu tư cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là đầu tư cho sự phát triển; Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tiếp tục thực hiện hiệu quả “ba đột phá chiến lược” trong tình hình mới, thích ứng linh hoạt với tình hình kinh tế thế giới và khu vực, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; Triển khai vận hành có hiệu quả Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bản tỉnh Investor Care; Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số…
Cũng theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đánh giá :Trong những năm gần đây, Quảng Ninh được Chính phủ và các địa phương đánh giá cao về ý tưởng, sáng kiến cải cách và hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến (điển hình là mô hình IPA, và xây dựng, phát triển bộ chỉ số DDCI).
“Quảng Ninh cần duy trì tư duy đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Không chỉ coi trọng nhà đầu tư, doanh lớn mà coi trọng cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo niềm tin về sự đồng hành của chính quyền với người dân, doanh nghiệp” – Bà Thảo đề xuất.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND Quảng Ninh mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục tham ưu, phản ánh với lãnh đạo tỉnh về các vướng mắc bất cập, đồng thời có thể đưa ra các ý tưởng và sáng kiến về nâng cao chất lượng dịch vụ công của tỉnh.
Theo kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2021, điểm tổng hợp PCI của Quảng Ninh là 73,02 điểm, giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Quảng Ninh duy trì 5 năm liên tiếp xếp thứ nhất và 9 năm liên tiếp trong tốp 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; là tỉnh duy nhất được VCCI xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” năm 2021.
Tiến Dũng