Các doanh nghiệp Logistics cần chủ động hơn, đầu tư có chiến lược
Gần đây, những hạ tầng để phục vụ ngành Logistics đã có những bước tiến nhất định, rất chi tiết và cụ thể. Song, các doanh nghiệp cần chủ động hơn, học hỏi, đầu tư có chiến lược.
Ngày 5/10, phát biểu tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2023, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến ngành Logistics, điều này đã được ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc.
Như vậy có thể thấy, về mặt cơ chế, thể chế chính sách thì đã có sự quan tâm, chú trọng.
Về góc độ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Tuấn Anh cho biết, trong quá trình tham gia thẩm định các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng… Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ cũng rất quan tâm đến việc bố trí các quỹ đất, quan tâm của các địa phương liên quan đến lĩnh vực dịch vụ nói chung, hậu cần nói riêng.
Tuy nhiên, mỗi địa phương xây dựng quy hoạch theo nhu cầu riêng và các Bộ, ngành sẽ đóng góp ý kiến. Theo đó, sự kết nối giữa các địa phương đôi khi chưa thực sự được hiệu quả.
Song, Luật Quy hoạch hiện nay, các cơ quan đang cố gắng áp dụng phương pháp tích hợp. Theo đó, tất cả 63 quy hoạch của các địa phương đều có chung Hội đồng thẩm định, những sự trùng lặp, chồng chéo sẽ được hạn chế.
Về kết quả thực tế, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ tập trung cho 3 đột phá chiến lược. Trong đó, đột phá về hạ tầng thì ai cũng thấy rất rõ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng về đường bộ.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, trên cả nước có khoảng 1.800 km đường cao tốc đang hoạt động. Phấn đấu đến năm 2025, trên cả nước có 3.000 km và đến năm 2030 thì có 5.000 km đường cao tốc… Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đang áp dụng chương trình Hải quan điện tử rất hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể mở tờ khai 24/7, không bị phụ thuộc vào thời gian và địa điểm. Thủ tục thông quan qua hệ thống này cũng rất nhanh… Điều này phục vụ rất tốt cho lĩnh vực Logistics.
“Gần đây, những hạ tầng để phục vụ ngành Logistics đã có những bước tiến, rất chi tiết và cụ thể”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu tổng hợp, còn lĩnh vực Logistics sẽ do Bộ Công thương phụ trách. Thông qua những ý kiến của các doanh nghiệp thì có thể thấy rằng, từ chính sách của cơ quan nhà nước đến kỳ vọng của doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách.
Vì vậy, những buổi gặp gỡ trực tiếp như hôm nay sẽ rất hữu ích cho các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý nhà nước cũng kỳ vọng các doanh nghiệp cần chủ động hơn, đầu tư, học hỏi, có chiến lược…
“Sau buổi gặp gỡ hôm nay, chúng tôi đã có một số ý tưởng để trao đổi, phối hợp với Bộ Công thương, tăng cường trao đổi với các Hiệp hội, ngành nghề để có những tham mưu chính xác, gần gũi hơn với các doanh nghiệp”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp và Dịch vụ thông tin thêm, quy hoạch lĩnh vực Logistics đã có, quy hoạch các địa phương đang trong quá trình xây dựng. Như vậy, quy hoạch là tiền đề để phát triển đã có hình hài.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư công của nhà nước thì lĩnh vực Logistics không nằm trong các chương trình được hỗ trợ. Theo đó, cơ quan quản lý của ngành và các doanh nghiệp cần chứng minh được sự cần thiết.
Cần làm rõ việc đầu tư vào các Trung tâm logistics mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế (doanh nghiệp, người dân, chính quyền) như thế nào. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới tổng hợp và trình ra các các cơ quan chức năng.