Các doanh nghiệp Mỹ sẽ sớm quay lại thị trường Nga?

Theo Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev, cuộc chiến trừng phạt Moscow của phương Tây đã phản tác dụng, khiến các công ty Mỹ chịu thiệt hại hơn 300 tỷ USD do rút khỏi thị trường Nga.

Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF). Ảnh: RT

Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF). Ảnh: RT

Người đứng đầu RDIF Kirill Dmitriev ngày 19/2 cho biết, ông kỳ vọng các doanh nghiệp Mỹ sẽ quay trở lại thị trường Nga vào quý 2/2025.

Ông Dmitriev nói rằng các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ đã "kinh doanh rất thành công tại Nga" và vào một thời điểm nào đó họ sẽ quay trở lại.

“Vì sao các doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ lại từ bỏ những cơ hội mà Nga mang đến, đặc biệt là quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ?" – Giám đốc RDIF nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo ông Dmitriev, cuộc chiến trừng phạt Moscow của phương Tây đã phản tác dụng, khiến các công ty Mỹ chịu thiệt hại hơn 300 tỷ USD do rút khỏi thị trường Nga. Con số này gần bằng tổng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị các nước phương Tây phong tỏa.

Vị quan chức này lưu ý rằng với những tổn thất lớn như vậy, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ vì lợi ích của Mỹ cũng như Nga.

Sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, phương Tây đã áp các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có nhằm làm mất ổn định nền kinh tế của Nga và buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.

Các lệnh cấm vận của phương Tây cùng với các biện pháp trả đũa của Moscow đã khiến nhiều công ty phương Tây thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh ở Nga, mất hàng tỷ USD tiền đầu tư và lợi nhuận.

Theo ước tính của Trường Quản lý Đại học Yale, hơn 1.000 công ty nước ngoài đã tự nguyện cắt giảm hoạt động ở Nga ở một mức độ nào đó kể từ tháng 2/2022.

Bình luận về khả năng khôi phục quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nga, chuyên gia Igbal Guliyev tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Moscow nhận định, việc các công ty Mỹ quay trở lại thị trường Nga sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng điều này hoàn toàn khả thi.

“Thị trường Nga hấp dẫn và đầy hứa hẹn đối với các công ty Mỹ” - ông Guliyev nói với với đài RT.

Chuyên gia Guliyev lưu ý thêm rằng quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các công ty Mỹ và Nga trong quá khứ từng “rất thành công”.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng các công ty Mỹ sở hữu các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực khoan dầu ngoài khơi, điều này có thể mang lại lợi ích cho các dự án chung giữa Moscow và Washington, như ở khu vực Bắc Cực.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn kéo giá dầu xuống mức thấp hơn, và để thực hiện được cam kết này, chắc chắn người đứng đầu Nhà Trắng sẽ cần sự giúp đỡ từ Nga và Ả Rập Saudi - hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Mỹ kỳ vọng lập "liên minh kinh tế lịch sử" với Nga

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tin rằng, viễn cảnh chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể mở khóa liên minh kinh tế "lịch sử" giữa Washington và Moscow.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: RT

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: RT

Phát biểu tại cuộc họp báo sau các cuộc đàm phán Nga - Mỹ tại Riyadh (Ả Rập Saudi) ngày 18/2, Ngoại trưởng Rubio cho biết, nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch trong quá trình giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, Nga và Mỹ có thể thiết lập một mối quan hệ đối tác kinh tế đầy hứa hẹn.

Theo ông Rubio, hai bên đã thống nhất về nhiều vấn đề, trong đó có việc "bắt đầu xác định những cơ hội có thể xuất hiện nếu cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc theo một cách có thể chấp nhận được".

Ngoại trưởng Mỹ giải thích thêm rằng điều này liên quan đến "các cơ hội hợp tác đáng tin cậy với Nga trên phương diện địa chính trị trong các vấn đề có lợi ích chung và cả về mặt kinh tế".

Theo quan điểm của ông Rubio, một mối quan hệ đối tác như vậy "sẽ có lợi cho thế giới", đồng thời củng cố quan hệ giữa Nga và Mỹ về lâu dài.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng nếu hai nước đạt được thỏa thuận về Ukraine, điều này sẽ mở đường cho việc hợp tác trong các vấn đề địa chính trị khác có lợi ích chung cũng như một số mối quan hệ kinh tế độc đáo, thậm chí có thể mang tính lịch sử.

"Chìa khóa mở ra cánh cửa cho những cơ hội này chính là chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine", ông nhấn mạnh.

Vào ngày 18/2, Nga và Mỹ đã tổ chức một cuộc đàm phán kéo dài 4,5 giờ tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi. Phía Nga có sự tham gia của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Trợ lý tổng thống Yury Ushakov và Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev. Phía Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steven Witkoff.

Theo ông Ushakov, Nga và Mỹ đã thảo luận kỹ lưỡng về mọi chủ đề trong chương trình nghị sự, bao gồm việc thu hẹp khác biệt giữa hai nước cũng như các cuộc tiếp xúc liên quan đến Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Lavrov gọi cuộc đối thoại với các quan chức Mỹ " mang tính xây dựng", đồng thời thông báo rằng hai bên đã đồng ý bổ nhiệm đại sứ tại Moscow và Washington trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Nga-Mỹ tại Ả Rập Saudi hôm 18/2, ông Dmitriev kêu gọi Nga và Mỹ hợp tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, bao gồm cả các dự án ở khu vực Bắc Cực. Đây là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản và có tiềm năng trở thành tuyến vận chuyển quan trọng mới của thế giới.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-doanh-nghiep-my-se-som-quay-lai-thi-truong-nga.html