Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván bóc nhập nhèm trong khai báo để trốn thuế

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) đề xuất tăng thuế xuất khẩu mặt hàng ván bóc HS 4408 lên 25% tương đương sản phẩm gỗ xẻ thanh HS 4407 hiện tại mức thuế xuất khẩu 25%...

Gỗ ván bóc xuất sang Trung Quốc tăng đột biến trong thời gian gần đây

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) vừa nhận được công văn từ Chi hội Gỗ dán (thuộc Vifores) kêu cứu về vấn đề “chảy máu” nguồn nguyên liệu gỗ ván bóc từ gỗ rừng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...

GIÁ NGUYÊN LIỆU TĂNG, SẢN XUẤT GỖ DÁN GẶP KHÓ

Công văn nêu rõ: trong thời gian vừa qua Chi hội Gỗ dán nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ phía các hội viên về việc “chảy máu” nguồn liệu ván bóc sang thị trường Trung Quốc. Cụ thể, từ tháng 10/2020 đến nay, khối lượng ván bóc làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn rừng trồng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng rất lớn.

Việc các thương lái tăng cường mua gỗ ván bóc để xuất đi Trung Quốc đã khiến nguyên liệu này ở trong nước thiếu hụt trầm trọng, giá tăng cao. Theo phản ánh từ các hội viên, giá thu mua ván độn AB tại các vùng nguyên liệu chính như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang,.. dao động từ 3.200.000 đồng/m3 đến 3.750.000 đồng/m3 (tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm ngoái).

Giá thu mua ván AB cao su trong khu vực Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai từ 4.600.000 đồng/m3 đến 4.800.000 đồng/m3. Việc tăng giá nguyên liệu gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán xuất khẩu của nước ta.

Nguyên liệu gỗ ván bóc đang "chảy máu"

Một số hội viên nghi ngại việc các doanh nghiệp xuất khẩu ván bóc đang khai báo hải quan giá trị ván bóc thấp hơn giá trị thực tế của sản phẩm nhằm giảm nộp thuế xuất khẩu. Hiện mặt hàng này có thuế xuất khẩu 10%. Việc khai báo hải quan dưới giá trị sản phẩm gây ra việc thất thu ngân sách cho nhà nước vô hình tạo ra việc chảy máu nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc, thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước.

Hiện tại các công ty xuất khẩu mặt hàng ván bóc đa số là các công ty thương mại nhưng khi lập hồ sơ xuất khẩu họ thường khai báo là doanh nghiệp sơ chế Veneer mua gỗ tròn trực tiếp từ nông dân để lẩn tránh việc hoàn thuế VAT.

Chính vì vậy, Chi hội Gỗ dán đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng với giá FOB (giá giao hàng trên phương tiện vận chuyển) tối thiểu 160 USD/m3; đối với ván bóc sản xuất từ cao su giá FOB tối thiểu 200 USD/m3.

Bên cạnh đó, đề xuất tăng thuế xuất khẩu mặt hàng ván bóc HS 4408 lên 25% tương đương sản phẩm gỗ xẻ thanh HS 4407 hiện tại mức thuế xuất khẩu 25%. Kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán.

XUẤT KHẨU GỖ DÁN NHIỀU TRIỂN VỌNG

Trao đổi riêng với VnEconomy, bà Cao Thị Cẩm, Chánh văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh. Nếu năm 2015 xuất khẩu gỗ dán chỉ đạt 724 nghìn m3, thì đến năm 2020 xuất khẩu mặt hàng này lên tới đạt 2,09 triệu m3, đạt 659,74 triệu USD.

Có khoảng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ gỗ dán Việt Nam, nhưng xuất khẩu gỗ dán chủ yếu tập trung ở 5 nước gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, và Thái Lan, chiếm trên 84% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam trong năm 2020.

Trong đó, Hàn Quốc nhập 805,19 nghìn m3 gỗ dán từ Việt Nam, đạt 211,03 triệu USD, chiếm 38% tổng lượng gỗ dán Việt Nam xuất khẩu. Kế đến là Mỹ nhập 517,88 nghìn m3 từ Việt Nam, kim ngạch 243,52 triệu USD. Malaysia là thị trường lớn thứ 3, nhập 231,71 nghìn m3, đạt 62,81 triệu USD trong năm 2020, tăng 29% về lượng và 21% về giá trị.

Nhật Bản năm 2020 nhập 170,2 nghìn m3 từ Việt Nam, kim ngạch 43,24 triệu USD, tăng 5% về lượng và 2% về giá trị. Thái Lan nhập 144,44 nghìn m3 gỗ dán từ Việt Nam, đạt 42,92 triệu USD trong năm 2020, tăng 33% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2019.

Từ một nước chỉ chiếm khoảng 1% thị phần xuất khẩu gỗ dán trên thế giới vào năm 2015, đến nay Việt Nam đã chiếm 5% tổng thị phần xuất khẩu toàn cầu, đứng vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu sản phẩm này.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gỗ dán không chỉ được sử dụng để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các mặt hàng đồ gỗ mà còn làm vật liệu trong ngành xây dựng, ván sàn. Trung bình mỗi năm thế giới bỏ ra khoảng 16-17 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này, với lượng nhập khoảng 32-34 triệu m3.

Trước tiềm năng nhu cầu của thị trường, ngành sản xuất gỗ dán ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Có khoảng trên 340 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ dán trong năm 2020. Năm 2020, có khoảng 20 nhà máy với quy mô lớn - nhỏ đã đi vào sản xuất gỗ dán hoặc đang xây dựng nhà máy mới tại các tỉnh như Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình...

Ngoài ra các còn chứng kiến sự chuyển dịch trong đầu tư nước ngoài ở các dự án FDI sản xuất mặt hàng này khi số lượng tăng vốn và gốp vốn mua cổ phần gia tăng. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam tiếp nhận hai dự án mới đi vào sản xuất mặt hàng gỗ dán với mức vốn đầu tư trên 14 triệu USD, công suất dự kiến 100.000 m3/năm.

Tuy nhiên vấn đề khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất gỗ dán chính là thiếu nguyên liệu, do sản lượng rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Năm 2020, Việt Nam chi khoảng 2,55 tỉ USD để nhập gỗ nguyên liệu, trong đó chi 227,27 triệu USD để nhập khẩu ván bóc và gỗ dán.

“Hiện Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp gỗ dán hàng đầu thế giới, chiếm trên 30% thị phần toàn cầu cả về lượng và giá trị. Việc xuất khẩu gỗ ván bóc sang Trung Quốc đang gây ra nhiều hệ lụy, làm giảm sức cạnh tranh của ngành gõ dán nước ta", bà Cẩm chia sẻ.

Chu Khôi -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-doanh-nghiep-xuat-khau-go-van-boc-nhap-nhem-trong-khai-bao-de-tron-thue.htm