Các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Chính phủ ban hành Nghị định số 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó hướng dẫn cụ thể về các đối tượng không chịu thuế VAT.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN
Nghị định nêu rõ đối tượng không chịu thuế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, đồng thời quy định chi tiết một số trường hợp như sau:
1. Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Trường hợp không xác định được thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm căn cứ vào quy trình sản xuất sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt do người nộp thuế cung cấp để xác định là sản phẩm chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
2. Nhà ở thuộc tài sản công do Nhà nước bán cho người đang thuê. Trong đó, nhà ở thuộc tài sản công theo quy định của pháp luật về nhà ở.
3. Chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, thương mại
5. Dịch vụ tang lễ bao gồm dịch vụ cho thuê nhà tang lễ, xe ô tô phục vụ tang lễ, táng người chết dưới các hình thức, di chuyển mộ, chăm sóc mộ và phải do các cơ sở có chức năng kinh doanh dịch vụ tang lễ cung cấp.
6. Hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo (chiếm từ 50% tổng số vốn sử dụng cho công trình trở lên; trường hợp nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo chiếm dưới 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì toàn bộ giá trị công trình thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng) đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
7. Hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp các cơ sở dạy học, dạy nghề có các khoản thu hộ, chi hộ thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung cấp cho các cơ sở dạy học, dạy nghề phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định.
8. Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin, đặc san, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách phục vụ thông tin đối ngoại, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.
9. Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện, phương tiện thủy nội địa thực hiện nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh có các điểm dừng đón, trả khách.
10. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; máy bay, trực thăng, tàu lượn, giàn khoan, tàu thuyền thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê.
11. Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại. Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
12. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài của công ty cho thuê tài chính được vận chuyển thẳng vào khu phi thuế quan để cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thuê tài chính. Khu phi thuế quan thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về công nghiệp công nghệ số và pháp luật liên quan. Trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì cơ sở kinh doanh phải tách riêng giá trị công nghệ chuyển giao, giá trị quyền sở hữu trí tuệ chuyển nhượng để xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp không tách riêng được thì toàn bộ giá trị hợp đồng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác theo định hướng của nhà nước về không khuyến khích xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu các tài nguyên, khoáng sản thô.
Đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác cần khuyến khích xuất khẩu, có giá trị gia tăng cao theo xác định và đề xuất của Bộ Công Thương thì Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.